(HNM) - Như
Mối nguy hại lớn
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày đạt mức từ 77,8 đến 78,1 dBA (đơn vị đo âm thanh), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn trung bình vào ban đêm là 65,3 - 75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10 đến 20 dBA).
Tại các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn ở mức cao hơn so với mức cho phép.
Dù đã có những quy định khắt khe nhưng vẫn có khá nhiều người bị stress và các bệnh do ô nhiễm tiếng ồn gây ra. |
Với cư dân ở nhiều nơi, tiếng ồn thực sự trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi trở về nhà sau một ngày lao động. Chị Nguyễn Thị Quỳnh (khu chung cư VP6 Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, khu vực chị ở nằm cạnh đường vành đai 3 nên hằng ngày cư dân chịu ảnh hưởng bởi tiếng xe chạy, còi xe… Ô nhiễm âm thanh ở mức báo động nên lúc nào cửa nhà chị Quỳnh cũng phải đóng kín thì mới nghe được tiếng ti vi, tiếng mọi người nói chuyện với nhau. “Khi mới từ quê lên, bác giúp việc cho gia đình tôi bị mất ngủ triền miên vì tiếng ồn. Con tôi khó tập trung khi học bài vì âm thanh từ ngoài đường dội vào”, chị Nguyễn Thị Quỳnh kể.
PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đánh giá, tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới sức khỏe lớn thứ hai - sau bụi. Tiếng ồn không tích lũy trong môi trường như ô nhiễm chất độc, nhưng nó gây tác động xấu cho sức khỏe con người và có thể để lại hậu quả lâu dài. Ngoài ảnh hưởng đến cơ quan thính giác (gây ù tai, làm giảm sức nghe, điếc), ô nhiễm tiếng ồn còn gây ra chứng mất ngủ, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy giảm nhận thức ở trẻ em…
Theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại nhưng lại ít được quan tâm so với các loại ô nhiễm khác. Ai cũng biết công nhân làm việc trong môi trường tiếng ồn cao sẽ bị giảm năng suất lao động, thế nhưng, có đến 80% doanh nghiệp không có giải pháp kiểm soát tiếng ồn. Hiện nay, kết quả khảo sát cho thấy mới có khoảng 10-15% doanh nghiệp quan tâm đến việc khám thính lực cho công nhân.
Cùng quan điểm nêu trên, bác sĩ Lê Công Định, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: Trung bình một ngày khoa tiếp nhận 500 - 600 bệnh nhân đến khám, trong đó, vấn đề thường gặp là về khả năng nghe kém (15 - 20%). Đối với trẻ nhỏ, việc phải sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nghe, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển về ngôn ngữ, tư duy, kết quả học tập. Còn với người lớn, việc sống và làm việc trong môi trường tiếng ồn liên tục khiến họ bị stress, cáu giận, chóng mặt, đau đầu và có nguy cơ cao về bệnh thần kinh.
Hiện nay, vấn đề tiếng ồn và ảnh hưởng của nó chưa được quan tâm như các bệnh khác, kể cả từ phía bệnh nhân đến cán bộ y tế, các bộ, ngành... Cụ thể, ngành Y tế còn thiếu thiết bị chẩn đoán bệnh nhân nghe kém, thiếu bác sĩ chuyên về thính học. Bảo hiểm y tế cũng chưa thanh toán khoản chi cho thiết bị hỗ trợ nghe của người bệnh. Thị trường cung cấp dịch vụ, thiết bị liên quan như máy trợ thính khá trầm lắng, không đồng bộ từ khâu cung cấp máy đến hiệu chỉnh, bảo hành, bảo dưỡng…
Giảm hệ lụy bằng cách nào?
Nhiều nước trên thế giới đề ra quy định khắt khe trong việc chống ô nhiễm tiếng ồn. Ngoài đường hầu như không có tiếng còi xe và các loại tiếng ồn đều được khống chế trong phạm vi cho phép. Còn tại nước ta, để hạn chế tiếng ồn, theo ThS Hà Lan Phương, Phó trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường), cần phải giảm thiểu tiếng ồn từ các phương tiện tham gia giao thông, tăng cường giao thông công cộng nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, không cho phép các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn được hoạt động.
Ngoài ra, cần trồng nhiều cây xanh ở hai bên đường. Riêng đối với các khu vực cần yên tĩnh như bệnh viện, trường học, đường cao tốc qua khu dân cư… cần xây tường cao "chắn" tiếng ồn. Về lâu dài, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp cần phải có điều khoản về chống tiếng ồn đối với các khu dân cư, nơi công cộng.
Còn theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, ở đô thị, các nhà sát vách nhau, không có khoảng không gian cách ly thì khi tổ chức tiệc, đám cưới... nên hạn chế tối đa việc sử dụng loa đài có công suất lớn. Mỗi cư dân thành thị cần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống, tự hạn chế tiếng ồn để bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh. Trong sản xuất, cần phải thay thế, sửa chữa thiết bị cũ để giảm nguồn gây ồn, tăng cường trang thiết bị bảo hộ chống ồn cho người lao động.
Để hạn chế loại ô nhiễm này, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp có ý thức tốt hơn về môi trường sống, sử dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các chủ thể thường xuyên gây ra tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.