(HNM) - Hiện nay vấn đề môi trường trong đó có ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Thông qua báo cáo vừa được công bố, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khẳng định, ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu đe dọa tính mạng của trẻ em.
Theo báo cáo của UNICEF, trên thế giới hiện có khoảng 300 triệu trẻ em đang phải hít thở không khí ngoài trời ô nhiễm đến mức có thể gây hại nghiêm trọng đối với sự phát triển thể chất, bao gồm cả phát triển não bộ. Trung bình cứ 7 trẻ em đang tồn tại trên Trái đất có 1 trẻ đang phải hít thở không khí ô nhiễm với mức độ đậm đặc, nhiều gấp 6 lần so với quy định của quốc tế. Đây là nguyên nhân gây tử vong ở 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm, đồng thời là mối đe dọa thường nhật đối với sự sống hiện tại và tương lai của hàng triệu trẻ nhỏ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có đến 2 triệu trẻ em tử vong vì bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp, trong đó 60% là do ô nhiễm không khí. Ngoài ra, trong một báo cáo khác, WHO cũng đưa ra thông tin khoảng 3-5% trẻ em trên toàn thế giới sinh ra với khuyết tật bẩm sinh do ô nhiễm môi trường.
Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake nhấn mạnh, ô nhiễm không khí không chỉ gây hại cho phổi mà nó còn vượt qua rào cản của mạch máu não, gây tổn hại lâu dài đối với não bộ đang phát triển của trẻ nhỏ, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. So với người lớn, trẻ em là đối tượng dễ chịu sự tổn thương bởi tình trạng ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà bởi các cơ quan phổi, não bộ và hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ vẫn tiếp tục được hoàn thiện trong quá trình phát triển. Đó là lý do khiến ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà có liên quan trực tiếp đến bệnh viêm phổi và các bệnh về đường hô hấp, vốn là nguyên nhân tử vong của 10% trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu.
Để hạn chế tình trạng này chắc chắn cần sự nỗ lực của cộng đồng trong việc cắt giảm lượng khí thải toàn cầu. Các nước cần tăng cường các biện pháp giảm tình trạng ô nhiễm không khí, mở rộng các chương trình hỗ trợ trẻ em tiếp cận với chăm sóc sức khỏe, đồng thời kiểm soát và giảm đến mức tối thiểu tình trạng phơi nhiễm không khí ô nhiễm ở trẻ em. Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ là cam kết đầu tiên mà các nước cùng nỗ lực vì môi trường toàn cầu. Nhưng trước hết, việc bảo vệ môi trường cần xuất phát từ ý thức mỗi người dân, từng chính phủ vì tương lai của chính con em, dân tộc mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.