(HNM) - Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã là vấn đề
Trên một số tuyến đường, ô nhiễm khói bụi ảnh hưởng tới người tham gia giao thông. Ảnh: Anh Tuấn |
Đáng báo động
Thông tin về kết quả chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội do Đại sứ quán Mỹ cung cấp đầu tháng 3-2016 đã khiến nhiều người "giật mình". Dẫu rằng, các chuyên gia đã khẳng định chỉ số AQI mà Đại sứ quán Mỹ thông báo (theo trang web Aqicn.org) chỉ là chỉ số trung bình theo giờ (tại một thời điểm), nhưng cũng đã phần nào cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2013 (báo cáo gần đây nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố về môi trường không khí) cho thấy, Hà Nội có mức độ ô nhiễm cao hơn TP Hồ Chí Minh dù dân số và phương tiện cơ giới ít hơn. Năm 2013, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và một ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại.
Theo ông Ngô Thái Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), giai đoạn 2011-2015, chất lượng không khí tại các khu vực dân cư, đường giao thông, làng nghề và công nghiệp có xu hướng được cải thiện, nhưng riêng chỉ tiêu benzen tại hầu hết các vị trí quan trắc không khí giao thông đều vượt tiêu chuẩn QCVN06: 2009/BTNMT và có xu hướng tăng do gia tăng phương tiện giao thông và sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng). Chất lượng môi trường không khí tại 8 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp ở mức từ trung bình đến tốt, đang có xu hướng được cải thiện. Tuy nhiên, tại một số khu dân cư như thị trấn Văn Điển, Yên Viên, Vĩnh Tuy, Yên Nghĩa, Ngọc Hồi, Quan Hoa... thông số quan trắc bụi tổng số (TSP), CO, SO2, NO2 đều vượt ngưỡng quy chuẩn 1,04 - 2 lần. Chất lượng môi trường không khí tại các khu vực giao thông, hầu hết đều vượt QCVN từ 1,3 đến 2 lần.
Người sống trong môi trường có nồng độ bụi cao sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, tổn thương đường dẫn khí, giảm chức năng phổi. Biết vậy, nhưng người dân vẫn hằng ngày, hằng giờ phải sống cùng ô nhiễm không khí.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động giao thông và xây dựng. Đến nay, Hà Nội có hơn 5,3 triệu phương tiện giao thông cơ giới được đăng ký, chưa kể xe vãng lai từ các địa phương khác. Đáng lo ngại, theo ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong số các xe đang lưu hành trên địa bàn thành phố có hơn 10.000 xe hết niên hạn sử dụng (3.228 xe khách, hơn 7.200 xe tải). Gần 32.000 ô tô hết niên hạn kiểm định từ một tháng trở lên. Bên cạnh đó, do ùn tắc giao thông, nên nguồn khí thải phát ra cũng tăng.
Phát triển đô thị cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm. Rất nhiều tòa nhà, chung cư mọc lên thay cho hồ ao, đồng ruộng. Bùn đất, bụi bẩn từ công trường thi công theo các phương tiện loang ra phố phường khiến người dân phải thường xuyên sử dụng khẩu trang.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để góp phần giảm ô nhiễm không khí, ông Trần Kỳ Hình kiến nghị: Với hơn 10.000 xe ô tô đã hết niên hạn và xe quá hạn kiểm định, thành phố cần quan tâm phối hợp, chỉ đạo xử lý nghiêm. Nếu phát hiện xe vi phạm, thu hồi biển số, kiên quyết loại bỏ xe theo quy định. Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng: Về dài hạn, Hà Nội cần quan tâm hơn tới việc xây dựng, triển khai đề án tăng cường năng lực vận tải công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân. Ngoài ra, cần sớm áp dụng tiêu chuẩn khí thải cao hơn đối với phương tiện giao thông.
Hà Nội đang xem xét để ban hành kế hoạch chống ồn, bụi trên địa bàn với rất nhiều mục tiêu, như ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân hướng tới phát triển bền vững. Cùng với đó, thành phố cũng đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, như hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; giảm nguồn phát sinh bụi, phát tán bụi... Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch là một quá trình liên tục, lâu dài, liên quan tới cộng đồng và phải áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp về truyền thông, cơ chế chính sách, cải tiến công nghệ, quy hoạch. Đặc biệt, cần phải có là sự chung tay của cộng đồng, ý thức của người dân. Có như vậy mới hy vọng giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.