(HNMO) - Những gói hỗ trợ, “túi an sinh Công đoàn”, “túi hàng gia đình”... có tổng trị giá bước đầu lên tới hơn 738 tỷ đồng đã được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cùng nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trực tiếp hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Tất cả luôn sẵn sàng với mục tiêu: Ở đâu người dân gặp khó, ở đó có sự trợ giúp, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc.
Trợ giúp kịp thời về nhiều mặt
Chị Vang Thị Huyền, là lao động tạm trú tại thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cho biết, chị bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ giữa tháng 7-2021, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong suốt thời “ai ở đâu thì ở đó”, chị Huyền đã được các cơ quan chức năng hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu nhiều lần.
“Khi thì yến gạo, lúc lại nhận được thùng mỳ tôm, ít lạc, rau xanh, mì chính, nước mắm... Cứ thế, hơn 1 tháng qua, những bữa ăn của tôi chưa bao giờ bị thiếu cơm, lạt muối”, chị Vang Thị Huyền cho hay.
Là đối tượng hộ nghèo, bà Trần Thị Đắc, ngõ 35 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Sức khỏe của hai vợ chồng tôi đều không tốt, lại làm công việc tự do, nên cứ ráo mồ hôi là hết tiền chi tiêu. Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi không có việc làm, không có thu nhập. Song, nhờ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, cuộc sống của gia đình tôi vẫn tương đối ổn định”.
Đón nhận nhiều nguồn trợ giúp vào dịp này, chị Lê Thị Ái Vân, nhân viên Trường Mầm non Phúc Diễn, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) xúc động: “Thời gian đầu giãn cách xã hội, tôi lo lắng nhiều lắm. Bởi, chồng tôi không may gặp tai nạn, bị thương ở tay, khó khăn khi tham gia lao động. Hai con tôi còn nhỏ, cần có tiền để chi phí cho các cháu, trong khi bản thân tôi bị ảnh hưởng về việc làm. Nhưng, thật may mắn, nỗi khó khăn, vất vả của gia đình tôi được nhiều tổ chức, cá nhân chia sẻ, đồng hành”.
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến cuối ngày 28-8, Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 2,31 triệu lượt người dân, người lao động, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 738 tỷ đồng. Trong đó, hơn 840.000 lượt người, hộ gia đình được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Điều đó cho thấy, các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động trên địa bàn Hà Nội đã bao quát nhiều mặt của đời sống xã hội, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng được thụ hưởng.
Chủ động gỡ vướng, huy động thêm nguồn lực hỗ trợ
Với đặc thù là địa bàn rộng, số người thụ hưởng đông, đa dạng, trong khi việc triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội đúng vào thời gian thành phố giãn cách xã hội, nên gặp nhiều khó khăn. Vượt lên tất cả, các cơ quan chức năng luôn nỗ lực cao nhất để bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Với 12 nhóm chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021, của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Hà Nội đã triển khai các chính sách theo hướng chủ động, linh hoạt.
Theo hướng này, những vướng mắc xuất phát từ thực tiễn đã được Hà Nội chủ động tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ. Chẳng hạn, để tạo điều kiện cho lao động tự do tạm trú được tiếp cận với chính sách hỗ trợ, UBND thành phố cho phép các cơ quan chức năng thực hiện một số thủ tục theo hình thức gián tiếp (qua bưu điện hoặc online).
Đồng thời, một số quy định liên quan đến chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, viên chức hoạt động nghệ thuật... cũng được các bên liên quan tìm hướng đưa vào đời sống. Nhờ đó, đến cuối ngày 28-8, Hà Nội đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ cho 11/12 nhóm chính sách theo gói hỗ trợ của Chính phủ.
Một số chính sách không dễ triển khai như hỗ trợ lao động tự do, đã có hơn 77.000 người nhận quyết định hỗ trợ với số tiền gần 116 tỷ đồng; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật, đã có 99 người nhận quyết định hỗ trợ với số tiền 367 triệu đồng...
Ngoài chính sách chung, từ ngày 13-8 đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người hoặc hộ gia đình cho 282.552 đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 13-8-2021, của Thường trực HĐND thành phố về việc quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến ngày 28-8, đại đa số người thụ hưởng đã nhận được tiền hỗ trợ.
Để nguồn lực hỗ trợ kịp thời đến với người dân, các địa phương chủ động ứng kinh phí, phân công lực lượng cán bộ chi trả liên tục cho đối tượng thụ hưởng. “Hơn lúc nào hết, người dân cần được trợ giúp càng sớm, càng tốt. Vì thế, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm đã chi trả cho người dân cả vào ban đêm”, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Gia Lâm Lê Thị Kim Châu cho hay.
Cùng với nguồn chi từ ngân sách, thời gian qua, các tổ chức, đoàn thể, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cùng các nhà hảo tâm tích cực huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ cấp bách cho hơn 450.000 lượt người, hộ gia đình với số tiền gần 147 tỷ đồng...
Với tinh thần không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, thời gian tới, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều chính sách, huy động thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ những trường hợp khó khăn. Trước mắt, Hà Nội tập trung hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động; hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động, phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên...
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.