(HNM) - Với hơn 20 thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực từ kinh tế - chính trị, năng lượng đến vận tải, khoa học - công nghệ… chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi được đánh giá là thành công ngoài mong đợi. Một trong những dấu ấn quan trọng nhất là sự ra đời của bản
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi. |
Từ lâu Ai Cập được biết tới như một đồng minh gần gũi của Mỹ trong thế giới Arab. Thế nhưng, cuộc cải cách "Mùa xuân Arab" cũng như những bất ổn trên chính trường nước này thời gian qua khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia phần nào trở nên lạnh nhạt. Ngay sau khi nhà lãnh đạo độc tài Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011, Tổng thống kế nhiệm Mohammed Morsi đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, mặc dù Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của Ai Cập với số tiền viện trợ kinh tế và quân sự lên đến 1,3 tỷ USD, nhưng Trung Quốc ngày càng tiến sâu vào các lĩnh vực cả về kinh tế và an ninh, với tổng số tiền đầu tư vào quốc gia Bắc Phi này lên đến 500 triệu USD. Dù không có nguồn tài nguyên dồi dào - điều khiến Trung Quốc phải đổ tiền vào như các quốc gia ở Châu Phi khác, nhưng với thị trường tiêu dùng tiềm năng, Ai Cập có thể trở thành "bàn đạp" giúp quốc gia này tiếp cận với các nước lân cận. Trong đó, với số dân 85 triệu người, xứ sở Kim tự tháp là thị trường tiêu dùng sinh lợi lớn cho hàng hóa giá rẻ của "người khổng lồ" Châu Á. Quan trọng hơn, với vị thế là một "nước lớn" trong thế giới Arab, mối quan hệ gần gũi với Ai Cập khiến Trung Quốc có thể dễ dàng được hưởng lợi thế chính trị ở khu vực. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Ai Cập, với kim ngạch hai chiều đạt 5,5 tỷ USD năm tài khóa 2013-2014, trong đó giá trị hàng xuất khẩu của Ai Cập chỉ đạt gần nửa tỷ USD.
Trên nền tảng hợp tác tốt đẹp đó, trong cuộc hội đàm với Tổng thống A.el-Sisi tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định ủng hộ mục tiêu của Ai Cập trong việc tìm kiếm một con đường phát triển phù hợp với điều kiện của mình. Nhấn mạnh mối quan hệ với Ai Cập là "hòn đá tảng quan trọng", Bắc Kinh bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Cairo trong các dự án thúc đẩy cơ sở hạ tầng, năng lượng hạt nhân dân sự, nguồn năng lượng mới, hàng không, tài chính và nhiều lĩnh vực khác. Về phía Ai Cập, Tổng thống A.el-Sisi cam kết sẽ tích cực thu hút đầu tư của Trung Quốc cho dự án kênh đào Suez mới trị giá 4 tỷ USD sẽ được phát triển song song với kênh đào hiện hữu nhằm kết nối biển Địa Trung Hải và Hồng Hải. Dự án này phù hợp với tầm nhìn của Trung Quốc về Con đường tơ lụa trên biển, nhằm tăng cường khả năng giao thương với Châu Âu.
Năm 2014 và 2015 đã được Trung Quốc chọn là "Năm hữu nghị Trung Quốc - Arab". Quyết định có ý nghĩa biểu tượng này đã phần nào phản ánh mối quan tâm của Bắc Kinh với thế giới Hồi giáo. Bên cạnh Lục địa đen với những dự án đầu tư ồ ạt, quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia Arab đã có những phát triển đáng kể giữa lúc cường quốc có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại khu vực là Mỹ có xu hướng giảm bớt sự can dự vào vùng đất này. Việc thắt chặt quan hệ với Ai Cập là một dấu hiệu nữa cho thấy chiến lược đối ngoại của Trung Quốc cũng như quyết tâm tiếp cận sâu sắc hơn với thế giới Arab. Mặc dù vậy, không dễ dàng để nền kinh tế thứ hai thế giới vốn đang nuôi tham vọng vươn tầm ảnh hưởng toàn cầu có thể sớm thay thế vị trí đối tác quân sự, chính trị, kinh tế hàng đầu mà Mỹ đang nắm giữ tại khu vực. Mục tiêu này có phần khó khăn hơn khi những biến động ghê gớm tại Trung Đông đang buộc Washington phải hướng mối quan tâm trở lại khu vực nhạy cảm và chiến lược này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.