(HNM) - Việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ nối tiếp luôn là mong muốn và nỗi trăn trở của nhiều bà con trong cộng đồng người Việt đang sinh sống tại nước ngoài.
Cũng vì lẽ đó, Hội Văn hóa phụ nữ Việt Nam (MiFaFa) tại thành phố Frankfurt (CHLB Đức) đã quyết tâm mở lớp dạy tiếng Việt nhằm phổ biến và giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ trẻ tại đây. Gần 5 năm qua, dù chặng đường hoạt động chưa dài nhưng lớp tiếng Việt của MiFaFa đã trở thành một mái nhà chung với nhiều hoạt động lý thú.
MiFaFa là Hội Văn hóa phụ nữ đầu tiên của cộng đồng người Việt được thành lập năm 2011, tại Frankfurt, với mục đích tập hợp chị em trong cộng đồng người Việt tại Frankfurt và vùng phụ cận cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cuộc sống, giữ gìn hạnh phúc gia đình, chăm sóc sức khỏe và dạy dỗ con cái, cũng như văn hóa, lịch sử Việt Nam… Bên cạnh đó, nhiều hội viên thấy rằng hội cũng cần đi đầu trong việc dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ hai trên đất Đức. Và 5 tháng sau ngày thành lập MiFaFa, lớp dạy tiếng Việt đã ra đời. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, MiFaFa gặp không ít khó khăn từ tìm địa điểm mở lớp, bố trí thời gian dạy đến chuẩn bị tài liệu, học cụ giảng dạy. Chị Nguyễn Bích Nga, Hội trưởng MiFaFa cho biết: "Chúng tôi không có sách dạy tiếng Việt nên các giáo viên đều phải tự soạn giáo trình sao cho phù hợp với trình độ của các cháu sinh ra và lớn lên ở đây".
Quán xuyến và giảng dạy cho 3 lớp học với tổng cộng 40 học sinh, từ 7 đến 16 tuổi, là một đội ngũ giáo viên tâm huyết gồm các cử nhân đại học, các du học sinh. Họ tình nguyện dạy không lương với mong muốn duy nhất là gieo tình yêu với tiếng Việt và quê hương vào lòng những em nhỏ. Hầu hết trẻ em ban đầu đến lớp đều là do bố mẹ yêu cầu hoặc... ép. Nhưng sau vài buổi học bỡ ngỡ, các em đều tìm được niềm vui trong ngôn ngữ "mới" rồi dần hứng thú với các giờ học tiếng mẹ đẻ vào mỗi chủ nhật hằng tuần của MiFaFa. Mỗi tháng, lớp chỉ có 2-3 buổi học nhưng hiện học sinh thuộc lớp lớn đều có thể đọc và hiểu hết những bài tiếng Việt đơn giản, đồng thời dần đi sâu vào các chủ đề khác nhau. Lớp của các học sinh nhỏ tuổi vẫn đang được giảng dạy theo chương trình cơ bản. Với mong muốn các thế hệ trẻ không chỉ sử dụng tốt tiếng Việt mà còn gìn giữ tiếng mẹ đẻ và văn hóa dân tộc, MiFaFa đã trau dồi cho các em vốn văn hóa Việt Nam từ những điều giản dị nhất như cách chào hỏi, nói năng, ứng xử, đến các phong tục, lễ Tết truyền thống của dân tộc.
Điều đặc biệt là ba người phụ nữ đứng đầu MiFaFa là chị Bích Nga và hai Hội phó Thanh Thảo và Minh Thu đều từng là những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp nên ngoài học tiếng Việt, các em còn được học múa, hát và chơi các nhạc cụ như đàn bầu, đàn tranh, guitar, piano. Tâm huyết của MiFaFa là cố gắng truyền lại cho thế hệ con em người Việt phát huy và gìn giữ văn hóa âm nhạc truyền thống của Việt Nam, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa, đặc biệt là giao lưu âm nhạc dân tộc với các bạn bè Đức.
Trong một thời gian không dài, Hội Văn hóa phụ nữ Việt Nam tại Frankfurt đã hoạt động rất hiệu quả và có nhiều đóng góp tích cực, thiết thực, ý nghĩa cho cộng đồng. Với tình cảm và nhiệt huyết của những người sáng lập, chắc chắn rằng thời gian tới, MiFaFa tiếp tục có nhiều sáng kiến mới nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc Việt trong mỗi con người xa xứ, tích cực vun đắp tình hữu nghị Đức - Việt, không ngừng chăm lo cho các thế hệ con em hòa nhập vào đời sống nước sở tại cũng như luôn hướng về quê hương đất nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.