(HNM) - Đối với những người bệnh phải dùng thuốc hằng ngày, thực phẩm và đồ uống có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc uống.
Thế nhưng trong thực tế, có nhiều người tuy phải thường xuyên dùng thuốc lại không chú ý đến việc phải uống thuốc như thế nào cho đúng. Thậm chí, để giảm dư vị khó chịu của thuốc thì nhiều người đã dùng nước ép trái cây để uống thuốc, hoặc uống thuốc xong ăn ngay trái cây để khỏi "đắng miệng"... mà không biết làm như vậy sẽ ít nhiều gây hại cho cơ thể. Bởi, theo các bác sĩ, uống thuốc với nước ép trái cây không thích hợp sẽ làm thuốc không phát huy hết công hiệu mà ngược lại còn gây ra cảm giác khó chịu cho cơ thể.
Với các loại quả cam, quýt, chanh, cho dù có chứa nhiều vitamin C, A cùng nhiều khoáng chất, rất tốt cho sự phát triển của cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm đẹp da, nhưng nếu đem loại nước trái cây này (dù đã pha với đường) dùng chung với các loại thuốc trị bệnh đau dạ dày, sẽ làm tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, gây bỏng rát dạ dày và tăng lượng axit.
Nước cam, chanh cũng chống chỉ định khi dùng chung với thuốc kháng sinh. Đặc biệt, loại nước quả tối kỵ khi uống thuốc là nước ép bưởi. Với nhiều loại thuốc, nước ép bưởi có thể làm tăng sự hấp thu thuốc lên gấp 15 lần, gây nguy hiểm cho cơ thể...
Để tăng hiệu quả dùng thuốc, mọi người cần lưu ý: Nước đun sôi để nguội hoặc nước lọc hợp vệ sinh là loại nước tốt nhất dùng để uống thuốc. Có thể dùng nước đóng chai nhưng phải là nước tinh khiết, không nên dùng nước chứa các chất khoáng, vì có thể tương kỵ thuốc (là một phản ứng giữa các thuốc sau khi trộn với nhau đã không còn an toàn hay hiệu quả), gây hại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.