(HNM) - Sau ba vòng bỏ phiếu tại Hội nghị Liên bang Đức ngày 30-6, ông Christian Wulff đã được bầu làm Tổng thống thứ 10 của nước Đức, kế nhiệm cựu Tổng thống Horst Koehler bất ngờ từ chức sau
Tân Tổng thống C.Wulff và nữ thủ tướng Đức A.Merkel. |
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ông C.Wulff được xem là ứng cử viên có lợi thế nhất trong cuộc đua và được dự đoán sẽ dễ dàng giành thắng lợi. Vì liên minh cầm quyền của bà Merkel nắm 644 trong tổng số 1.244 ghế của Hội đồng liên bang nên nếu tất cả các đại biểu của liên minh trung thành với các nhà lãnh đạo của họ, chắc chắn ông C.Wulff đã dễ dàng thắng cử ngay từ vòng bỏ phiếu kín đầu tiên. Tuy nhiên, sát cuộc bầu cử ít giờ, nhiều đại cử tri thuộc Liên minh cầm quyền đã quay sang ủng hộ ứng cử viên Joachim Gauck - người do đảng Xanh và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đề cử khiến cho cuộc bỏ phiếu phải "lận đận" tới vòng thứ ba.
Vị trí Tổng thống vốn chỉ mang tính biểu tượng ở Đức, song diễn biến đầy trắc trở của cuộc bầu cử cho thấy những bất đồng đang ngày càng rõ nét ngay trong liên minh cầm quyền. Vì vậy, cách chiến thắng của ứng cử viên do liên minh cầm quyền đề cử này lại là một thất bại tâm lý và làm mất uy tín của bà A.Merkel. Đây được coi là "dư chấn" tiếp theo của "cơn thịnh nộ" nhằm phản đối người đứng đầu Chính phủ quyết định tung hàng chục tỷ euro để "giải cứu" Hy Lạp trong khi đưa nước Đức vào thời kỳ "thắt lưng buộc bụng" kham khổ.
Hiện giờ, liên minh của bà A.Merkel chưa thực sự gặp nguy hiểm, đơn giản vì không có nhân vật quan trọng nào quay lưng hoặc rời bỏ liên minh, nhưng áp lực sẽ gia tăng trong thời gian từ nay đến khi diễn ra cuộc bầu cử 6 bang vào năm 2011. Nếu CDU thất bại, bà Merkel sẽ buộc phải từ chức hoặc tổ chức bầu cử sớm như người tiền nhiệm Gerhard Schroeder từng làm.
Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, trước mắt "người đàn bà quyền lực nhất hành tinh" hiện nay là cả một "cuộc chiến" nhằm lấy lại uy tín và tìm kiếm tiếng nói chung cho nội bộ đang bị chia rẽ. Để duy trì liên minh cầm quyền tới hết nhiệm kỳ năm 2013, nhiều khả năng, trong thời gian tới, bà A.Merkel sẽ phải chịu áp lực thay đổi chính sách, kể cả các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng", đồng thời, xem xét việc chấm dứt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng thuế đối với những người có thu nhập cao. Kế hoạch cải cách hệ thống y tế khá tốn kém của Đức cũng sẽ được đưa vào tầm ngắm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.