(HNM) - Nước ngọt từ thượng nguồn sông Mê Kông bắt đầu về tới Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 3-4, trong sự phấn chấn của người dân vùng sông nước sau một thời gian dài chật vật đối phó hạn mặn lịch sử. Nhiều địa phương ở đây ngay lập tức triển khai các giải pháp
"Đón" nước ngọt
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ ngày 3-4 đến 8-4, mực nước thượng lưu sông Mê Kông có dao động nhỏ và ở mức cao hơn trung bình 0,5-2m; mực nước hạ lưu cao hơn trung bình 0,02-0,2m. Mực nước trên Sông Tiền và Sông Hậu có khả năng đạt cao nhất vào cuối tuần.
Nguồn nước ngọt đổ về nơi đang phải đối mặt với hạn mặn lịch sử đã khiến người dân phấn chấn. Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngay lập tức triển khai nhiều biện pháp tích nước, đẩy mặn phục vụ sản xuất. Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, ngay khi có thông tin nguồn nước ngọt đổ về từ thượng nguồn, địa phương lập tức lên kế hoạch lấy nước trữ để phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, giải pháp cấp bách mà tỉnh đang triển khai lúc này là đắp các đập tạm ven Sông Tiền để chủ động trong việc lấy nước ngọt từ thượng nguồn đổ về. Cùng với hệ thống kênh, mương nội đồng, các đập này sẽ giữ vai trò trữ nước ngọt phục vụ sản xuất trong thời gian tới.
Tại Trà Vinh, hiện địa phương này đang tích cực vận hành hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít nhằm lấy tối đa nguồn nước ngọt từ thượng nguồn. Hệ thống này cũng giữ vai trò thoát nước mặn khu vực nội đồng, đưa nguồn nước ngọt vào để rửa mặn, đồng thời trữ nước cho sản xuất lâu dài.
Đối với các tỉnh chưa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, việc lấy nước để rửa mặn, cũng như trữ ngọt khó khăn hơn. Do chưa có hệ thống đê bao khép kín nên các ngành chức năng của tỉnh Bến Tre khuyến cáo bà con nông dân, nhất là các nhà vườn, chủ động tìm cách tích trữ khi nước ngọt từ thượng nguồn sông Mê Kông bắt đầu về tới địa phương. Đồng thời, tỉnh đầu tư xây dựng thêm nhiều cống, đập tạm để ngăn mặn, nâng cao năng lực điều tiết nước, cũng như năng lực trữ ngọt.
Tại các cù lao nằm trên hệ thống Sông Tiền, Bến Tre cũng đang nghiên cứu xây dựng các hồ chứa lớn.
Tận dụng tối đa
Để tận dụng tối đa nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh, Tổng cục Thủy lợi đã yêu cầu các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đo đạc, giám sát mặn từng vùng để có phương án tích trữ nước vào hệ thống kênh, mương, hồ chứa để phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Lượng nước này sẽ hỗ trợ tích cực cho các địa phương lấy nước chống hạn và giảm mặn xâm nhập ở khu vực cửa sông xuống còn 15-20km.
Khắc phục gieo sạ lúa sớm Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, trước tình hình xâm nhập mặn và hạn hán, Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo, khuyến cáo các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long về sản xuất lúa song nông dân vẫn tự ý gieo sạ vụ hè thu sớm hơn khung thời vụ Cục Trồng trọt đưa ra. Điển hình, tỉnh Hậu Giang có trên 2.000ha lúa gieo sạ sớm, Trà Vinh có trên 600ha... Hiện lúa gieo sạ sớm đã được trên 30 ngày tuổi, nhiều ruộng lúa bị chết khô do hạn và xâm nhập mặn. Nguyên nhân chính là do giá thu mua lúa đông xuân vừa qua tăng cao so với những năm trước đó khiến nông dân có tâm lý gieo trồng sớm để tranh thủ bán được giá cao. Hoàng Văn |
Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Trần Minh Tuấn (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho rằng, phần lớn diện tích lúa đông xuân đã gần kết thúc vụ nên đợt lấy nước này chủ yếu để phục vụ công tác rửa mặn, cải tạo đất và tích trữ nước cho vụ hè thu. Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương tập trung phương tiện để lấy nước, trữ nước nhằm sử dụng đến tháng 6, tháng 7 trước khi bước vào cao điểm mùa mưa năm nay. Mặc dù vậy, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông thời điểm này chỉ có tác dụng "giải hạn" tạm thời. Do đó, các địa phương cần chủ động lên kế hoạch sản xuất phù hợp, tận dụng tối đa nguồn nước ngọt. PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long) cho rằng, nguồn nước mà các hồ chứa xả xuống chỉ "mang tính tình thế". Từng hộ trồng lúa, từng nhà vườn, từng vùng, địa phương phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả.
Còn theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung, từ hiện trạng sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 và các dự báo, diễn biến khí tượng thủy văn vẫn còn nhiều phức tạp, để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016, Cục khuyến cáo các địa phương tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ hè thu 2016 và mùa 2016 hợp lý, né tránh hạn, mặn. Việc sản xuất phải làm tập trung, nhanh gọn. Thời vụ lúa hè thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5, phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ.
Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh những thiệt hại không đáng có. Cục trưởng Cục Trồng trọt Ma Quang Trung cũng lưu ý, đối với cây lúa vụ hè thu này, các địa phương cần nắm rõ, vùng bị nhiễm mặn trên ba phần nghìn tuyệt đối không xuống giống. Vùng bị nhiễm mặn dưới ba phần nghìn có thể xuống giống và phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như: Sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn đồng thời cày phơi đất, khi có nguồn nước ngọt tranh thủ rửa mặn. Tăng cường bón phân hợp lý khi sản xuất. Đặc biệt, cần tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới đủ nước cho 3 lần bón phân và thời kỳ trỗ. Khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn liên tục nhiều lần. Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ theo kỹ thuật...
Hỗ trợ hơn 13 triệu USD ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn (HNM) - Ngày 4-4, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức hội nghị để cung cấp thông tin và tham vấn các chuyên gia, các bên liên quan nhằm xây dựng kế hoạch, chiến lược ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại 13 tỉnh miền Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Tại hội nghị, 7 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) và doanh nghiệp đã có những cam kết hỗ trợ ban đầu cho các cộng đồng chịu ảnh hưởng trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn này với tổng trị giá 1,1 triệu USD, tập trung vào những chương trình cung cấp nước sạch, lương thực và dinh dưỡng. Về trung và dài hạn, 22 TCPCPNN cam kết triển khai 30 chương trình, dự án trong 3 năm 2016-2019 tại 13 tỉnh bị thiệt hại với tổng kinh phí 12,3 triệu USD.
|
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.