(HNM) -
Thủ tướng M.Turnbull và phu nhân đi bỏ phiếu ngày 2-7. |
Với 92% số phiếu được kiểm, liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền của Thủ tướng M.Turnbull chỉ giành được 71 ghế tại Hạ viện, trong khi Công đảng đối lập do ông Bill Shorten đứng đầu giành được 68 ghế. Các ứng cử viên độc lập và các đảng khác có 5 ghế. Theo quy định, để hội đủ đa số đứng ra thành lập chính phủ mới, một đảng phải giành được ít nhất 76 trong tổng số 150 ghế tại Hạ viện. Như vậy, kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào 8% số phiếu còn lại, tương đương với 6 ghế, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 5-7.
Dù đứng thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử, nhưng Công đảng được cho là đã giành chiến thắng mang ý nghĩa rất lớn. Trước cuộc bầu cử, đảng này chỉ có 55 ghế tại Hạ viên, còn liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền có tổng cộng 90 ghế, trong đó 75 ghế của đảng Tự do và 15 ghế của đảng Quốc gia. Để tuột mất cơ số phiếu quan trọng, giới phân tích nhận định, cơ hội Liên đảng Tự do - Quốc gia có thể giành được 6 ghế cuối cùng để tự đứng ra thành lập chính phủ là rất mong manh. Trong khi đó, quá trình thỏa thuận với các đảng khác hoặc các ứng cử viên độc lập để có đa số và thành lập chính phủ liên hiệp được cho là rất khó khả thi. Vì vậy, nguy cơ Australia phải đối mặt với tình trạng có một “Quốc hội treo" đang được tính đến.
Việc Công đảng gia tăng số ghế cho thấy, quyết định tổ chức bầu cử trước thời hạn của Thủ tướng M.Turnbull đã không mang lại kết quả như mong muốn. Theo kế hoạch, đến tháng 1-2017, Australia mới phải bầu lại Quốc hội. Tuy nhiên, ông M.Turnbull đã đẩy sớm tiến trình này với kỳ vọng có thể củng cố thế lực sẵn có ở Thượng viện. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo 62 tuổi cũng mong muốn nhanh chóng hợp thức hóa vị trí của mình sau cuộc "lật đổ" trong nội bộ đảng Tự do dẫn đến sự ra đi bất ngờ của Thủ tướng T.Abbott cách đây 9 tháng.
Thế nhưng, "nước cờ" này chưa đi đúng hướng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc ông M.Turnbull giành được chiếc ghế đứng đầu nội các từ Thủ tướng T.Abbott cho thấy sự mất đoàn kết trong đảng Tự do. Điều này khiến lòng tin của các cử tri dành cho đảng cầm quyền suy giảm. Ngoài ra, trong thời gian Thủ tướng T.Abbott nắm quyền, chính phủ do ông điều hành cũng gặp nhiều chỉ trích trong việc ứng phó với các vấn đề an ninh, biến đổi khí hậu… Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế Australia cũng tụt lùi về mức 2%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn (3,25%) trong khi giá khoáng sản và năng lượng xuất khẩu giảm mạnh. Trước nguy cơ xứ sở Chuột túi rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau 24 năm, tỷ lệ người dân không hài lòng với chính đảng cầm quyền ngày càng gia tăng. Trong khi đó, thời gian "chèo lái" đất nước của Thủ tướng M.Turnbull chưa đủ dài và ông cũng chưa cho thấy các quyết sách đột phá để tạo sức hút lớn đối với cử tri.
Kể từ khi Thủ tướng thuộc đảng Lao động Kevin Rudd lên nắm quyền vào năm 2007, chính trường Australia đã phải đối mặt với nhiều xáo trộn. Trong vòng 6 năm, nước này đã phải thay tới 5 thủ tướng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới những chính sách điều hành kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh sự ra đi của nước Anh khỏi Liên minh Châu Âu có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy, không ít người lo ngại, nếu xảy ra tình trạng "Quốc hội treo" thì Australia sẽ chậm trễ trong việc ứng phó những rủi ro có thể xảy ra với kinh tế nước này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.