Trong một cuộc giằng co không mong muốn, cô bé Phan Thanh Hương đã lỡ tay cướp đi mạng sống của bà hàng xóm. Chiếc còng số 8 đặt vào tay cô khi chưa tròn 17 tuổi.
10 năm tù giam là cái giá phải trả cho hành vi nông nổi của tuổi trẻ. Lúc bấy giờ, Hương là nữ tội phạm giết người trẻ tuổi nhất trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa). Tuy nhiên, cô đã được đặc xá trước thời hạn 3 năm do tích cực cải tạo.
Trong một chuyến công tác về Thái Bình, chúng tôi đã có dịp được tiếp xúc với Hương và nghe cô tâm sự về quá khứ lầm lỗi và những năm tháng làm lại cuộc đời từ chính trại giam…
“Món quà lạ” trong ngày Valentine
Cho đến bây giờ, quá khứ lầm lỗi ấy vẫn còn ám ảnh tôi rất nhiều bởi thay vì sô cô la, hoa hồng và những lời chúc ngọt ngào thì món quà tôi nhận được trong ngày lễ tình nhân năm ấy lại là chiếc còng số 8 lạnh ngắt.
Tôi nhớ buổi tối 13/2/2005, nhóm bạn tôi đến nhà chơi, vừa chung vui đám cưới của anh trai, vừa phụ tôi dọn dẹp nhà cửa.
Hơn 10h đêm, khách khứa đã về hết, đám bạn tôi cũng chào tạm biệt để trở về nhà. Tuy nhiên, khi ra đến cổng, chúng tôi chợt nhớ đến việc góp tiền mua hoa để bán trong ngày lễ tình nhân hôm sau. Dù chưa kinh doanh bao giờ nhưng chúng tôi rất háo hức.
Chúng tôi bàn tán sôi nổi và cười ầm ĩ. Bỗng lúc đó, bà hàng xóm (đã lớn tuổi) đi từ trong nhà ra nổi cáu: “Đêm hôm khuya khoắt, không về nhà nghỉ ngơi, con gái con lứa đứng ngoài đường cười nói ầm ĩ, chả có tí duyên nào”.
Thanh Hương xinh đẹp trước khi gây án
Cả lũ đang vui vẻ, bỗng như bị dội một gáo nước lạnh nên im bặt, còn tôi thì xấu hổ không có đất để chui. Chưa kịp định thần, bà hàng xóm lại tiếp: “Tưởng có tí nhan sắc mà thích làm gì thì làm, không dạy dỗ cẩn thận thì hư hỏng sớm”.
Nói rồi bà bước nhanh vào nhà. Tôi rất khó chịu nhưng không dám nói gì, các bạn thì nghi ngại nên chào tạm biệt tôi để về nhà.
Vào nhà nhưng tôi vẫn rất ấm ức và nghĩ sẽ tìm cách để nói chuyện với bà hàng xóm.
Sáng hôm sau, tôi được phân công mang phụ kiện ra đầu trường để chuẩn bị gói hoa. Khi ra đến nơi thì tôi phát hiện mình quên mang kéo nên chạy trở về nhà lấy. Cầm chiếc kéo trên tay, tôi đi thẳng ra cổng và đang định bước thì chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà đúng lúc ấy, bà hàng xóm bước ra cổng.
Lúc đó, máu nóng trong người tôi nổi lên. Giá như tôi có thể kiềm chế mà không thèm để ý đến bà có lẽ mọi việc đã khác. Đằng này cũng chính lúc ấy, mấy câu nói xúc phạm đêm trước của bà lại hiện lên trong đầu tôi.
Với một đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, lại có tính hiếu thắng nên tôi rất ấm ức và đi thẳng đến cổng nhà bà hàng xóm. Lúc đó bà đang cúi lom khom làm việc gì đó giữa sân. Tôi đẩy cổng bước vào, không thèm chào hỏi mà nói với giọng rất tức giận:
“Bà là người lớn sao lại nói cháu như vậy”. Bà hàng xóm dù đã bước sang tuổi 72 nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh, bà ngẩng mặt lên nhìn tôi một lúc rồi cũng buông mấy câu khó chịu: “Thế không đúng à? Con gái tí tuổi đầu, không lo học hành, suốt ngày tụm năm tụm ba, hay ho gì?”.
Cháu nói qua, bà nói lại, hai bên đôi co nhau rồi xảy ra cãi vã và lao vào đánh nhau. Thực sự cho đến giờ, tôi cũng không hiểu sao lúc đó mình lại có thể làm cái việc tày đình ấy.
Trong khi đang giằng co, chiếc kéo trên tay tôi vô tình trở thành hung khí đâm thẳng vào cổ người hàng xóm. Nhìn bà lão mắt trợn ngược, máu bắt đầu chảy, tôi hốt hoảng, mặt tái mét, lùi từng bước một ra cổng rồi cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng.
Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng bà ấy bị thương, bố mẹ sẽ mắng nên phải chạy trốn.
Thế nhưng, tôi làm sao có thể trốn được khi vết đâm vô tình ấy đã lấy đi mạng sống của người hàng xóm ở ngay sát vách với gia đình mình. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, cả làng đã biết tin tôi giết người. Đám bạn tôi vứt hoa chạy thục mạng, cùng gia đình lùng sục khắp nơi tìm tôi.
Tác phẩm của Thanh Hương tặng gia đình trong thời gian cải tạo tại trại Thanh Phong
Mẹ tôi chạy dọc con đê làng, cất tiếng gọi con mà giọng khàn đặc. Đến bây giờ, cái âm thanh chỉ cất ra trong cổ họng: “Hương ơi, con ở đâu” vẫn còn ám ảnh tôi dù đã gần 8 năm trôi qua.
Tôi bị bắt ngay trong buổi chiều 14/2, một ngày lễ tình nhân cho nhân loại. Tuy nhiên, món quà mà thiên hạ nhận được là hoa hồng, là kẹo sô cô la, là những ánh mắt ngập tràn yêu thương thì món quà của tôi chỉ là một chiếc còng số 8 vô tri vô giác và lạnh lẽo.
Bài học đắt giá cho sự nông nổi
Cả làng đổ ra xem khi tôi bị đưa ra xe như một tên tội phạm. Tiếng bàn tán, thậm chí là nhiếc móc. Tôi nhớ câu nói cay nghiệt của một ai đó: “Giết người thì trước sau cũng bị tử hình”.
Hồ sơ được hoàn thành nhanh chóng, tôi bị kết án 10 năm tù giam. Tôi đã khóc xin lỗi gia đình nạn nhân. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là trong phiên xử ấy họ không một lời trách móc, không một lời sỉ nhục. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng:
“Mình là người gây ra tội ác nhưng vì gia đình nạn nhân quá tốt nên món nợ tôi phải trả cũng nhẹ hơn nhưng cả cuộc đời này tôi sẽ bị ám ảnh bởi tình cảm cao quý ấy”.
Phiên tòa kết thúc trong nước mắt. Bố chạy theo kéo tay áo tôi dặn dò: “Nhớ cải tạo tốt để được giảm án con nhé. Mọi người ai cũng yêu con”. Chiều 28/3/2008, tôi được đưa thẳng vào Trại giam Thanh Phong.
Khi ngồi trong thùng xe, nghĩ về khoảng thời gian 10 năm với chiếc áo tù, mọi ước mơ hoài bão đã chính thức khép lại, và đó là món nợ quá lớn mà tôi phải trả trong cuộc đời này do chính lỗi lầm mà mình đã gây ra.
Hơn một lần tôi tự trách mình: Tại sao lúc đó không cầm kéo ra chỗ đám bạn bán hoa? Tại sao lại chạy sang nhà bà hàng xóm để đôi co vài câu nói làm gì? Tại sao lại đúng thời gian ấy mà không phải là bất kể ngày nào? Không biết bố mẹ sẽ sống ra sao với tội danh mà mình gây ra?
Rồi họ hàng, rồi làng xóm? Liệu họ có xem bố mẹ tôi là người nhà của kẻ giết người mà xỉa xói họ, mà lăng mạ họ, mà sỉ nhục họ không?
Hàng trăm câu hỏi xoáy sâu vào khiến tôi càng đau đớn hơn. Hóa ra, khi mình cướp đi sinh mệnh của người khác, dù không phải đền mạng nhưng cái day dứt trong lòng thì không ai có thể gánh hộ mình được.
Thời gian đầu cuộc sống trong trại giam với tôi là một cực hình, đi đâu cũng bị quản thúc, lại phải làm việc theo quy định nên tôi rất chán nản. Cái chết của bà hàng xóm lúc nào cũng ám ảnh khiến tôi không ngủ được. Đã có lúc tôi nghĩ quẩn và định tự tử để kết thúc mọi chuyện.
Tình yêu của anh đã tái sinh cho tâm hồn tôi
Có lẽ, cuộc đời tôi sẽ kéo dài như vậy mãi nếu không có cuộc gặp gỡ tình cờ trong căng tin trại giam. Tôi sẽ nhớ mãi ngày hôm ấy, khi tôi đến mua đồ ăn, có một người đàn ông cứ chăm chú nhìn tôi rất lâu.
Vào trại hơn một năm, tôi chẳng để ý gì, thế mà hôm ấy tôi thấy má mình nóng bừng. Rồi bỗng nghĩ đến tội ác mà mình đã gây ra. Lúc đó tôi chỉ nghĩ được đơn giản rằng: “Chắc thấy mình nhỏ tuổi vậy mà mang án giết người nên anh ta nhìn thôi”, càng nghĩ, tôi càng thấy xấu hổ.
Rồi những lần sau ra căng tin, tôi lại gặp anh. Câu chuyện cũng trở nên dài hơn, cũng thân thiết hơn. Rồi có lần tôi mạnh bạo hỏi anh có ghét em vì em đã giết người không thì anh mỉm cười lắc đầu.
Từ trước đến nay, gia đình động viên rất nhiều, bạn bè viết thư thăm hỏi cũng không ít nhưng không hiểu sao chỉ một nụ cười của chàng trai xa lạ, tôi bỗng thấy tim mình xốn xang và cái ý thức phải cố cải tạo thật tốt để sớm được ra trại cứ nhen lên ngày một lớn trong đầu.
Từ đó, tôi thường kiếm cớ đi ra căng tin để được tâm sự với anh nhiều hơn. Anh cũng giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình cải tạo. Anh lớn hơn tôi 7 tuổi, lại ra ngoài tiếp xúc nhiều nên anh hiểu rất rõ lẽ sống ở đời và hướng tôi vào những điều ấy. Tôi thấy mình là người hạnh phúc nhất trên thế gian.
Khi anh ngỏ lời yêu, tôi lại không dám nhận vì tôi thấy mình không xứng đáng với một người tốt như anh. Hơn nữa tôi cũng phân vân, gia đình anh ở Hà Nội, anh có công việc tốt, tôi chỉ là một nữ phạm nhân với tội giết người, dẫu có được giảm án thì cái bản án năm xưa chẳng bao giờ gột sạch được trong lý lịch của mình.
Thế nhưng, khác với suy nghĩ của tôi, anh gạt bỏ tất cả những suy nghĩ ấy trong đầu và phân tích cho tôi hiểu rằng, tất cả những điều đó chỉ là quá khứ và chúng tôi phải nhìn vào tương lai. Cuối cùng tôi cũng bị chinh phục bởi tình yêu và lòng cao thượng của anh.
Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là ngay khi anh giới thiệu với gia đình, mẹ anh hoàn toàn ủng hộ. Bà là một người buôn bán nhỏ ở chợ nhưng bà có cái nhìn rất thoáng. Bà không hề để ý đến lỗi lầm tôi đã gây ra. Bà yêu con trai và hạnh phúc với lựa chọn của con.
Lần nào vào trại Thanh Phong, bà cũng mang rất nhiều quà cho tôi. Mỗi lần nhận quà của bà, tôi lại thấy mình cần cố gắng hơn nữa.
Sự cố gắng của tôi đã được đền đáp xứng đáng khi dịp Quốc khánh năm 2011, tôi là một trong 180 phạm nhân của trại giam Thanh Phong được xét đặc xá. Khi danh sách được đưa xuống, tôi vui mừng đến nỗi đứng khóc như mưa ở sân trại. Nghĩ đến bố mẹ, anh trai mà không cầm được nước mắt.
Ngày đặc xá, cùng với 180 phạm nhân khác, tôi bước ra ngoài và nhìn thấy gia đình tôi cùng với gia đình anh đã chờ mình ở đó. Mẹ anh chuẩn bị cho tôi rất nhiều quần áo đẹp, còn có cả mỹ phẩm nữa. Bà bảo rằng: “Con dâu tương lai của tôi ra ngoài phải thật đẹp…”.
Sau khi được đặc xá, anh đã về quê tôi, xin phép bố mẹ cho tôi lên nhà anh chơi. Sau đó, anh đưa tôi đi Sa Pa, đi Lạng Sơn và một số địa danh nổi tiếng của miền Bắc. Mỗi chuyến đi cho tôi những trải nghiệm thú vị.
Trở về với gia đình, tôi đã tính đi học tiếp nhưng vì anh cũng đã lớn tuổi, gia đình anh cũng muốn chúng tôi ổn định cuộc sống nên tôi đành gác lại việc học để lo cho gia đình riêng của mình. Và hạnh phúc đã thực sự mỉm cười với tôi kể từ giây phút ấy…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.