Theo dõi Báo Hànộimới trên

NSƯT Hoàng Tuấn: Làm rối cạn rồi lại “cất kho”… buồn lắm!

Hoàng Quyên| 05/10/2015 14:40

(HNMO) - Chuẩn bị cho Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 4 diễn ra tại Hà Nội trong tháng 10 này, Nhà hát múa rối Thăng Long chuẩn bị 3 vở rối, trong đó có 2 vở rối cạn và 1 vở rối nước.

Trước thềm liên hoan, NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long chia sẻ những vở rối sẽ tham gia liên hoan và những trăn trở của nhà hát được xác lập kỷ lục Châu Á là “Nhà hát duy nhất tại Châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”.

NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long


* Chuẩn bị cho Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 4 sắp diễn ra tại Hà Nội, là đơn vị nghệ thuật của Thủ đô, Nhà hát đã chuẩn bị những gì để “đón khách”, thưa ông?

- Từ nhiều tháng nay, các nghệ sĩ của Nhà hát múa rối Thăng Long tập trung tập luyện những vở rối mới để tham gia Liên hoan lần này. Chúng tôi sẽ góp mặt với 3 vở rối, trong đó có 2 vở rối cạn là “Hào quang từ quá khứ”, “Hai cây thông” phỏng theo câu chuyện của Nga và vở rối nước tham gia Liên hoan lần này là “Hồ thiên Nga” do nghệ sĩ Chu Lượng đảm nhiệm. Chúng tôi đã sẵn sàng để thể hiện tài năng cùng các đoàn rối quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 này.

* Liên hoan múa rối quốc tế sẽ là một bữa tiệc đủ màu sắc của nghệ thuật rối đến từ các quốc gia, chắc chắn các nước bạn sẽ mang “đặc sản” đến tham dự, vậy “đặc sản” trong những vở rối của Hà Nội được thể hiện thế nào, thưa ông?

- 3 vở rối là 3 màu sắc khác nhau mà ở đó người xem sẽ cảm nhận được sự tài hoa của các nghệ sĩ múa rối Việt Nam. Vở “Hào quang từ quá khứ” là sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, trong đó chúng tôi có sử dụng một số thủ pháp múa rối hiện đại như nghệ sĩ múa rối solo, sự lồng ghép của các lớp lang thông qua câu chuyện của một nhân vật nước ngoài từng sống ở Việt Nam thời chiến tranh. Trong câu chuyện ấy, có đan xen những tích rối cổ của nổi tiếng của Việt Nam là Thạch Sanh, Tấm Cám, Thánh Gióng.

Còn vở “Hai cây thông” phỏng theo câu chuyện của Nga, các nghệ sĩ múa rối sẽ phải vừa múa vừa hát opera. Để tập luyện cho tiết mục này, chúng tôi đã phải cho nghệ sĩ học một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ riêng để có được kỹ thuật căn bản nhất khi hát opera. Cái khó là tất cả các vở diễn, nghệ sĩ phải vừa biểu diễn với các con rối vừa hát live. Còn vở rối nước “Hồ Thiên Nga”, khán giả sẽ được xem những chi tiết đắt giá nhất từ tác phẩm này.

Vở rối cạn 'Hào quang từ quá khứ" của Nhà hát múa rối Thăng Long tham gia Liên hoan múa rối quốc tế lần 4 tại Hà Nội


* Nhà hát múa rối Thăng Long đã quá nổi tiếng với rối nước, đến mức được xác lập kỷ lục châu Á là “Nhà hát duy nhất tại Châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”, việc xây dựng những vở rối cạn các nghệ sĩ có gặp khó khăn nhiều không thưa ông?

- Cái khó của chúng tôi không phải là dựng vở vì đã là nghệ sĩ, ăn lương với nghề này thì rối nào cũng sẽ làm được thôi, nhất là khi các nghệ sĩ đều tâm huyết với nghề và say ánh đèn sân khấu. Chúng tôi gặp khó khăn là tìm địa điểm tập luyện. Địa điểm của Nhà hát là nơi tổ chức biểu diễn thường xuyên, không thể dành riêng cho việc tập luyện được, vì thế các anh em nghệ sĩ phải tìm chỗ để dựng vở, tập luyện. Dàn dựng một vở rối cạn giống như nhiều loại hình sân khấu khác rất cần không gian sân khấu rộng, mà thực tế là không phải lúc nào ở Hà Nội cũng có địa điểm có đủ điều kiện sân khấu lại trống thời gian để chúng tôi thuê dài ngày cho anh em tập luyện. Cũng may, anh chị em nghệ sĩ cũng là những người có kinh nghiệm, khi có sân khấu trống là tập hợp nhau để cùng khớp cảnh.

* Ông nghĩ sao khi nhiều người nói rằng, rối Thăng Long chẳng có gì ngoài rối nước?

- Không phải chúng tôi chỉ có rối nước mà là chúng tôi không có chỗ để trình diễn rối cạn. Địa điểm nhà hát hiện tại đúng là rất đắc địa về du lịch nhưng nó chỉ đủ chỗ làm sân khấu của rối nước. Chúng tôi phải dành ưu tiên để biểu diễn rối nước phục vụ công chúng. Có những vở rối cạn chúng tôi làm xong không biết diễn ở đâu đành “cất kho” chờ dịp đi biểu diễn phục vụ công chúng ở vùng xa. Buồn lắm, nhưng chẳng biết làm thế nào.

* Nói vậy, có nghĩa là số phận của hai vở rối cạn “Hào quang từ quá khứ” và “Hai cây thông” sau khi tham gia Liên hoan múa rối quốc tế lần này xong cũng sẽ lại “đắp chiếu” thưa ông?

- Trước mắt, hai vở rối cạn này sẽ tham dự Liên hoan múa rối quốc tế, sau đó chúng tôi sẽ mang vở đi biểu diễn phục vụ công chúng theo nghiệm vụ chính trị của mình.

* Cám ơn ông về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NSƯT Hoàng Tuấn: Làm rối cạn rồi lại “cất kho”… buồn lắm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.