Văn nghệ

NSƯT Diệu Hương: Nghệ sĩ phải biết cách “đi tìm” khán giả

Phương Thảo 08/01/2024 - 06:10

Xuất thân là ca sĩ theo dòng nhạc nhẹ, thế nhưng bằng tình yêu và niềm say mê, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Diệu Hương đã đến với ca Huế và trở thành giọng ca Huế quen thuộc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

huong-dieu1.jpg

1. Ai từng dạo qua khu vực Tượng đài vua Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm vào mỗi tối cuối tuần chắc hẳn sẽ không khỏi ấn tượng với giọng ca mượt mà, ngọt ngào, sâu lắng của NSƯT Diệu Hương. Nhiều năm qua, chị cùng các nghệ sĩ trong nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn hoàn toàn miễn phí tại địa điểm này. Họ đã cùng nhau tạo nên những chương trình âm nhạc truyền thống độc đáo, biến không gian nơi đây trở thành điểm nhấn thu hút du khách.

Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, NSƯT Diệu Hương cho biết: “Ca Huế nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung là hồn cốt của dân tộc. Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã có rất nhiều hoạt động để phát huy nét đẹp văn hóa dân gian này và việc nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn vào mỗi dịp cuối tuần tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm là một trong những hoạt động tiêu biểu. Tại đây, chúng tôi có cơ hội để được giao lưu với khán giả. Tôi cho rằng, trong việc lan tỏa âm nhạc truyền thống, đừng chờ khán giả tìm đến mình, người nghệ sĩ phải biết cách “đi tìm” khán giả”.

2. Nét đặc biệt ở NSƯT Diệu Hương không chỉ là giọng hát trời phú mà còn là con đường đưa chị đến với ca Huế. Vốn là ca sĩ thuộc dòng nhạc nhẹ, từng dự cuộc thi Sao Mai năm 2001 và giành giải Thí sinh hát nhạc nhẹ ấn tượng, nhưng khi có cơ hội về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, chị đã bắt nhịp được với công việc của một ca sĩ hát ca Huế. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị nên từ bé chị đã ngấm chất ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên qua những câu hát của bà, của mẹ.

Trong suốt quá trình công tác ở Đội Tuyên truyền văn hóa của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Huế, chị vẫn quan tâm tới dòng nhạc này. Khi nghệ sĩ đàn tỳ bà Đỗ Thị Quyên (Đài Tiếng nói Việt Nam) giới thiệu chị tới thu âm ca Huế để phát trên sóng của Đài, chị đã nhận lời và được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao.

“Khi ấy, ca sĩ phụ trách mảng ca Huế đã về hưu mà Đài chưa tìm được người kế cận. Có lẽ thấy tôi từng học ở Huế, lại sinh ra ở vùng Bình Trị Thiên nên nghệ sĩ Đỗ Thị Quyên nhờ tôi giúp Đài mảng này. Lúc đó, tôi đang giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Huế và chỉ ra Hà Nội để học thạc sĩ ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Giữa quyết định về Huế hay ở lại Hà Nội, tôi đã chọn phương án thứ hai” - chị chia sẻ.

Hơn 10 năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Diệu Hương vừa hát ca Huế, vừa là biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Diệu Hương có tinh thần học tập nghiêm túc, trách nhiệm. Ở trong hoàn cảnh là mẹ đơn thân, con còn nhỏ, mẹ con chị từng ở ký túc xá Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trong lúc chị học thạc sĩ..., Diệu Hương đã gặp phải biết bao vất vả, khó khăn. Nhưng với niềm khao khát được tiếp thu kiến thức để nâng cao tay nghề, chị đã vượt qua và hiện tại, chị đang có một cuộc sống yên vui, hạnh phúc với 2 người con ngoan ngoãn, học giỏi.

huong-dieu2.jpg
NSƯT Diệu Hương (áo đen) trong một tiết mục biểu diễn chào xuân.

Soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét: “Điều đáng quý ở chỗ vốn dĩ Diệu Hương là ca sĩ hát nhạc nhẹ với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cũng như có thể kiếm được nhiều show diễn với thu nhập tốt nhưng chị đã bỏ qua để đến với ca Huế. Từ cảm giác bỡ ngỡ buổi ban đầu, giờ đây Diệu Hương đã là tên tuổi quen thuộc với những bài ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên ngọt ngào, đậm đà bản sắc. Chị làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, luôn chuẩn bị tốt nhất có thể trước các buổi thu thanh. Đặc biệt, giọng ca của chị khiến nhiều người nghĩ chị là người con gái Huế và đặt cho chị biệt danh “Hương Huế”.

Còn nhớ thời điểm năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, tôi viết bài “Mười thương chống dịch Covid” trong buổi sáng thì ngay buổi chiều hôm đó Diệu Hương đã thu thanh, ghi hình. 7h tối anh em chúng tôi cùng nhau đưa lên mạng và đã có hàng chục nghìn lượt xem và chia sẻ trong 2 ngày. Tác phẩm được trao giải Ba cuộc thi “Tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền dịch Covid-19” do Đài VTC tổ chức”.

3. Ngoài việc biểu diễn trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như biểu diễn miễn phí tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, NSƯT Diệu Hương còn tích cực sản xuất các MV (Music Video) ca nhạc theo phong cách mới. Theo chị, đó là cách rèn luyện giọng hát cũng như đến gần với khán giả. Trong thời điểm xuất hiện đại dịch Covid-19, chị đã đặt lời mới cho bài hát “Triệu bông hồng” (nhạc Nga), góp phần cổ vũ, động viên người dân chung sức, đồng lòng cùng chống dịch.

Mới đây, chị đã giới thiệu MV “Tình em bến đợi” - một sự kết hợp ca Huế và nhạc đương đại - gồm 3 làn điệu nổi bật trong dân ca Bình Trị Thiên - Huế, gồm: “Tình em bến đợi”, “Lý hoài nam" (“Lý qua đèo”) và “Lý ngựa ô”. Đây cũng là lần đầu tiên một ca sĩ hát ca Huế nhưng được phối khí trên nền nhạc điện tử.

Chia sẻ lý do về sự kết hợp này, chị cho biết: Để công chúng biết nhiều hơn về ca Huế, nghệ sĩ phải sáng tạo để ca Huế gần gũi với đời sống hiện đại. Bởi thế, trong MV này, chị không gò bó ca Huế trong khuôn khổ ca cổ mà đã hát với tâm thế cởi mở, có sự luyến láy phù hợp để không làm mất chất của dân ca Huế, giúp người nghe dễ tiếp cận.

NSƯT Diệu Hương đã biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Với những chuyến đi như thế, chị cảm nhận dòng nhạc này có sức rung cảm đặc biệt khiến người Việt Nam xa xứ thêm yêu thương và mong chờ ngày được trở về quê cha đất tổ. Năm 2019, chị đã mang ca khúc dân gian đương đại “Thành phố miền quan họ” của nhạc sĩ Nguyễn Cường đến với Liên hoan Âm nhạc phát thanh Châu Á - Thái Bình Dương 2019 tại Bangladesh. Với tiết mục ấn tượng này, chị vinh dự là một trong ba nghệ sĩ được nhận Cúp danh dự.

Năng động, sáng tạo, đam mê, tâm huyết, NSƯT Diệu Hương đang ấp ủ nhiều dự định để mang ca Huế đến gần với công chúng; chú trọng sáng tạo, cách tân trong cách hát, cách thể hiện để khán giả không “chán” mình cũng như không “chán” dòng nhạc mà mình đang theo đuổi.

NSƯT Diệu Hương sinh năm 1977 tại Quảng Trị. Chị hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp từ năm 18 tuổi, lần lượt trải qua các cơ quan như Đội Tuyên truyền văn hóa Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Học viện Âm nhạc Huế, và hiện nay làm việc tại Phòng Nghệ thuật và Tổ chức sự kiện, Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2012, chị được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Trong 7 năm liền tham gia Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, chị đoạt 4 Huy chương vàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
NSƯT Diệu Hương: Nghệ sĩ phải biết cách “đi tìm” khán giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.