(HNMO) - Nhà hát múa rối Thăng Long vừa hoàn thành tác phẩm “Cậu và Hành khất” để dự thi Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc tổ chức vào tháng 4 này.
Nhân dịp này, HNMO có cuộc trò chuyện với NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long, tác giả và đạo diễn sân khấu của chương trình.
Một cảnh trong tác phẩm "Cậu và Hành khất" của Nhà hát múa rối Thăng Long. |
- Tôi rất thắc mắc về tên của chương trình “Cậu và Hành khất”, anh có thể lý giải về cái tên rất lạ này?
- Đó là một hàm ý mà tôi muốn gửi gắm trong tác phẩm này, nghệ thuật không có ranh giới sang hèn. Bất cứ tầng lớp nào, địa vị nào cũng có tâm hồn thi sĩ và đều bình đẳng khi thưởng thức nghệ thuật. Trong tác phẩm “Cậu và Hành khất”, chúng tôi gửi gắm vào đó hai thể loại âm nhạc là “đặc sản” của Hà Nội, đó là Xẩm và Ca trù (hay còn gọi là hát Ả đào). Nếu như ngày trước, Xẩm được coi là âm nhạc bình dân, thường hát ở các góc chợ, do những nghệ sĩ nghèo khổ biểu diễn để xin tiền thì Ca trù lại có một đời sống thượng lưu hơn, phục vụ cho tầng lớp có tiền. Tôi muốn dung hòa hai thể loại âm nhạc này vào một tác phẩm để người xem có cảm nhận riêng về hai “đặc sản” âm nhạc của Hà Nội.
- Như anh nói, Xẩm và Ca trù đều là những “đặc sản” âm nhạc của Hà Nội nhưng nếu dàn dựng không khéo rất dễ bị “soi”, anh có gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tác phẩm này?
- Chúng tôi là đơn vị nghệ thuật thường xuyên thực hiện các sản phẩm về âm nhạc dân tộc, vì thế chúng tôi khá tự tin khi thể hiện Ca trù và Xẩm, đặc biệt là khi kết hợp cả hai loại hình này trong cùng một sân khấu. Hơn 15 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát đã dành gần 3 tháng cho tác phẩm này, chúng tôi hiểu công việc và thông điệp mà mình muốn truyền tải.
- Vậy cách dàn dưng của “Cậu và Hành khất” có gì đặc biệt để hấp dẫn khán giả?
- Vì đây là những “đặc sản” âm nhạc của Hà Nội, tái hiện một phần lịch sử của Hà Nội xưa nên chúng tôi mất nhiều công đoạn cho việc dàn dựng, không chỉ riêng về âm nhạc mà cả về phần nhìn để người thưởng thức cảm nhận được Xẩm và Ca trù trong không gian đặc trưng. Khi xem, khán giả sẽ nhìn thấy một Hà Nội rất nền nã, rất xưa với những cô – cậu nhà giàu dập dìu đi chơi trên những chiếc xe kéo. Không gian của Ca trù được tái hiện đậm nét với cô đào và các kép đàn. Người phu xe trong một khoảnh khắc chờ khách biến thành một nghệ sĩ hát Xẩm thực thụ. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận và tiếng hát, tiếng đàn của họ thể hiện phần nào nỗi lòng riêng. Trong cảnh giao hòa giữa Ca trù và Xẩm, dường như mọi ranh giới sang – hèn đều không còn khoảng cách nữa.
- Là một đơn vị nghệ thuật của Thủ đô với đặc thù biểu diễn là múa rối nước, khi dàn dựng một tác phẩm về độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc và đem đi thi thố cùng những đơn vị chuyên về âm nhạc dân tộc khác, anh có e ngại vì mình lại “múa rìu qua mắt thợ”?
15 nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc của Nhà hát múa rối Thăng Long tham gia chương trình này. |
- Rất nhiều người hỏi chúng tôi là chỉ chuyên múa rối sao lại tự tin tham gia Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc? Tôi thưa rằng, các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ của chúng tôi đều là những nghệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp từ Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đây là lần thứ 3 chúng tôi tham gia Liên hoan, hai lần trước Nhà hát đều giành giải Vàng. Chúng tôi tự tin nói rằng, Nhà hát múa rối Thăng Long không chỉ có biết múa rối, mà chúng tôi còn có thể mạnh về âm nhạc.
- Lần nào đi thi cũng giành giải Vàng, lần này anh có đặt áp lực về giải thưởng cho các nghệ sĩ của mình?
- Tôi không đặt áp lực cho các anh chị em mà vẫn luôn động viên họ rằng, làm gì cũng phải nghiêm túc và nỗ lực hết sức, giải thưởng chỉ là kết quả mang tính động viên cho nỗ lực ấy mà thôi.
- Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.