Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nóng” với những vấn đề nông nghiệp, nông thôn

Hưng Thịnh| 07/07/2015 18:51

(HNMO) – Chiều nay (7-7), kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào 2 lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn; giáo dục và đào tạo.


Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được rất nhiều đại biểu quan tâm, do đó đã có 15 lượt ý kiến đại biểu đặt câu hỏi chất vấn. Các đại biểu bày tỏ lo ngại trước tình trạng nông dân một số nơi trên địa bàn thành phố đang bỏ ruộng hoang hóa, gây lãng phí đất đai. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay, tổng diện tích đất lúa toàn thành phố là 99.956 ha. Qua tổng hợp báo cáo của các huyện, thị xã, vừa qua, có 4 xã thuộc 2 huyện Quốc Oai và Thường Tín; một số ruộng nhỏ lẻ, xen kẹt ven đô thuộc các quận, huyện như: Hà Đông, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… không cấy vụ xuân năm 2015. Trong đó, huyện Quốc Oai 245 ha; huyện Thường Tín 41,4ha.

Theo ông Chu Phú Mỹ, nguyên nhân chủ yếu ở huyện Quốc Oai và huyện Thường Tín là do vướng mắc trong công tác dồn điền đổi thửa. Ban chỉ đạo của huyện, xã thiếu sâu sát, không đảm bảo quy chế dân chủ ở cơ sở, thiếu công khai, thực hiện không đúng quy trình, trình tự thủ tục quy định, có biểu hiện tư lợi cá nhân, nhân dân chưa đồng thuận với phương án dồn điền đổi thửa của thôn, xã và yêu cầu giải quyết một số vi phạm về đất đai ở địa phương...


Đối với diện tích nhỏ ở các quận, huyện khác do xen kẹt trong các khu đô thị đang xây dựng nằm trong quy hoạch xây dựng đã giải phóng mặt bằng, không đủ điều kiện về nước tưới nên nhân dân không sản xuất được.

UBND thành phố đã chỉ đạo huyện Quốc Oai, huyện Thường Tín, Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc trên. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp cùng các huyện kiểm tra, rà soát lại phương án dồn điền đổi thửa, đề nghị xử lý các vi phạm về đất đai và giải quyết các kiến nghị của nhân dân để hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa của các xã trên. Đồng thời phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo các xã tổ chức cho nhân dân sản xuất vụ mùa không để ruộng hoang.

Nhiều đại biểu cho rằng, trong những năm qua cùng với các quy định của trung ương, HĐND thành phố đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một số chính sách chậm được thực hiện.

Theo ông Chu Phú Mỹ, trong những năm qua, HĐND thành phố đã ban hành các Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 về “Thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016”; Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 về “Chính sách phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2020”. Thực hiện Nghị quyết của thành phố, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND Thành phố Quy định “Thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016”. Nhìn chung, sau một thời gian triển khai thực hiện, một số chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số chính sách kết quả triển khai còn hạn chế như chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản nhưng doanh nghiệp và người dân chưa mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển.

Chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thực hiện kết quả chưa cao, vì các cơ sở giết mổ còn khó khăn về vốn, chưa mạnh dạn đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ đạt theo tiêu chuẩn của thành phố quy định; mặt khác, tình trạng giết mổ tự do, nhỏ lẻ trong khu dân cư còn nhiều chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng và cải tạo các cơ sở giết mổ tập trung.

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp kết quả chưa cao. Lý do là nhiều hộ gia đình không có đủ tài sản thế chấp để vay ngân hàng, nên không vay được vốn, vì vậy không được hưởng lãi suất hỗ trợ theo quy định...

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ đại biểu Hai Bà Trưng) đặt câu hỏi chất vấn về vấn đề nông nghiệp


Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thẳng thắn thừa nhận, qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐND và Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND thời gian qua, Sở NN&PTNT thấy rằng, công tác tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo điều hành có những điểm, những việc còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra...

Chiều nay, vấn đề nước sạch nông thôn tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các đại biểu HĐND thành phố. Các đại biểu cho rằng, nhiều nơi tại khu vực nông thôn chưa có nước sạch để sử dụng, trong khi nhiều trạm cung cấp nước sạch khu vực nông thôn chưa hoạt động, đầu tư dở dang; bên cạnh đó, việc bàn giao cụ thể cho các doanh nghiệp về tài sản và mặt bằng đầu tư tại các trạm nước sạch thực hiện chậm, gặp nhiều khó khăn...

Vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, hiện có 25 trạm cấp nước dở dang, tạm dừng hoạt động, gồm: 10 trạm được đầu tư xây dựng từ những năm 1990 đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, không còn hoạt động, không cấp được nước cho nhân dân; 4 công trình đầu tư xây dựng dở dang;11 trạm cấp nước đã đầu tư lâu (những năm 90 của thế kỷ trước) nay đã được thay thế bằng hệ thống nước sạch đô thị của thành phố.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (tổ đại biểu Chương Mỹ) đặt câu hỏi chất vấn


Theo ông Chu Phú Mỹ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trạm cấp nước nông thôn dở dang, dừng hoạt động là do các công trình cấp nước sạch này trước đây được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn (vốn trung ương, thành phố, huyện, xã và nhân dân đóng góp). Trong quá trình thực hiện, hầu hết các công trình này sau khi thực hiện hết phần vốn của trung ương, thành phố cấp thì dừng lại vi nguồn vốn huyện, xã và dân đóng góp không bố trí được. Việc đầu tư ở một số công trình nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến công trình chất lượng kém, không bền vững, chất lượng nước không đảm bảo và hiệu quả không cao.

Ngoài ra, nhu cầu, tập quán sử dụng nước máy của các hộ dân nông thôn chưa cao, việc thu được phí trong dân rất khó khăn. Do đó, không có điều kiện để tái đầu tư sửa chữa, dẫn đến hư hỏng. Mặt khác, công tác quản lý, vận hành, khai thác các trạm cấp nước tập trung ở các xã còn nhiều bất cập…

Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố bố trí nguồn vốn hỗ trợ theo chính sách và giao Sở NN&PTNT kêu gọi xã hội hóa đối với 10 trạm được đầu tư xây dựng từ những năm 1990 đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, không còn hoạt động và 4 công trình đầu tư xây dựng dở dang. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân đầu tư các thiết bị xử lý nước sạch để sử dụng trước mắt…

Các đại biểu cũng rất quan tâm đến vấn đề miễn giảm thủy lợi phí. Các đại biểu đặt câu hỏi: Tại sao 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố được đặt hàng với đơn giá cao hơn mức quy định của nhà nước? Tại sao không phê duyệt đơn giá chung, mà mỗi doanh nghiệp lại mỗi đơn giá riêng?

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Doãn Toản đã giải trình: Hệ thống các công trình thủy lợi, kênh mương trên địa bàn Hà Nội rất đa dạng và phức tạp. Bên cạnh việc tưới, thì hệ thống thủy lợi trên địa bàn thành phố còn đảm nhiệm một nhiệm vụ quan trọng là tiêu thoát nước. Tuy nhiên, nhiều công trình thủy lợi xây dựng từ lâu, có những công trình đã hết khấu hao từ nhiều năm nay; nạn xả rác xuống kênh mương khiến kênh mương bị bồi lắng… đã ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả tưới, tiêu của hệ thống thủy lợi, chi phí dành cho tưới tiêu rất cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Thùy (tổ đại biều Gia Lâm) chất vấn về nước sạch nông thôn


Do đặc thù của địa bàn quản lý của các công ty khác nhau nên định mức đơn giá của các công ty cũng phải khác nhau... Việc cấp bù thủy lợi phí cho các công ty thủy lợi được thực hiện theo đúng quy định hiện hành; việc xây dựng đơn giá cho 5 công ty khác nhau là phù và đúng với quy định của nhà nước.

Trong chiều nay, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã giải trình với HĐND thành phố về triển khai thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BDGĐT ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành qui định đánh giá học sinh tiểu học; thực hiện quy định mới về tuyển sinh đầu cấp. Theo ông Nguyễn Hữu Độ, sau một năm thực hiện Thông tư 30, đến nay, cán bộ, giáo viên các trường tiểu học đã nhận thức rõ ràng về mục đích, nguyên tắc và nội dung đánh giá học sinh tiểu học theo tinh thần thông tư; giáo viên đã đánh giá, nhận xét và ghi sổ sách theo qui định.

Việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 đã khuyến khích học sinh phát huy hết năng lực, khả năng của mình. Học sinh được tự đánh giá bản thân, tham gia đánh giá lẫn nhau từ đó giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp và hợp tác nhóm. Học sinh đã phần nào giảm được áp lực tâm lý trong học tập vì phải đối phó với việc thầy cô chấm điểm hàng ngày. Học sinh đã quan tâm đến nhận xét và các lưu ý của giáo viên trong bài làm của mình. Hạn chế việc ganh đua về điểm số như trước đây nên động lực của việc học tập ở học sinh đã thay đổi hướng tới thực chất và toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng. Học sinh đã chú ý đến phát triển năng lực bản thân khi nhận được nhận xét của giáo viên và chia sẻ của bạn bè. Tích cực rèn luyện phẩm chất đảm bảo đạt các yêu cầu của lứa tuổi học sinh tiểu học.

Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh đã dần quen với việc không chấm điểm thường xuyên. Qua những lời nhận xét vào vở đã giúp cha mẹ học sinh hiểu rõ hơn việc học tập của con em mình. Thấy được sự tiến bộ của con và cũng thấy những hạn chế của con, từ đó các bậc phụ huynh kịp thời động viên và có những biện pháp hỗ trợ thêm ở nhà.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, việc thực hiện những quy định mới về tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh vào lớp 6, Hà Nội được đánh giá là làm tốt nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước. Trên cơ sở tuyển sinh năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần tiếp tục rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh phương án để năm sau thực hiện tốt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Nóng” với những vấn đề nông nghiệp, nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.