Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Nóng" vấn đề kiểm soát và xử lý án oan

Hà Anh Hoa| 24/03/2016 06:45

(HNM) - Ngành Tòa án đã dũng cảm nhận nhiều việc khó, nhưng chất lượng xét xử chưa như kỳ vọng. Số lượng án oan được giải oan, kiểm sát, xử lý thế nào chưa được công bố kết quả. Còn ngành Kiểm toán - cơ quan do Quốc hội lập ra, nhưng lại không chịu sự giám sát, kiểm tra.

Đây là những vấn đề được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung phản ánh tại phiên thảo luận tổ ngày 23-3, khi cho ý kiến về báo cáo nhiệm kỳ 2011-2016 của "tư lệnh" các ngành Tòa án, Kiểm sát và Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ ngày 23-3. Ảnh: Viết Thành


Nhiều chuyển biến tích cực

Đánh giá về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án TAND Tối cao, ĐB Đinh Xuân Thảo (Đoàn Hà Nội) nhận định, thời gian qua, TAND Tối cao đã triển khai xây dựng nhiều đề án cải cách tư pháp; nhiều đề xuất đã được thể chế hóa trong các văn bản luật. Theo đó, hệ thống TAND được tổ chức theo 4 cấp; có những tòa án mới được quy định trong Luật TAND... Nhiều quan điểm mới tiến bộ được TAND Tối cao đề xuất đã được luật hóa... Trong quá trình hoạt động, tòa án các cấp cũng nghiêm túc, cầu thị, lắng nghe tiếp thu và trả lời, giải quyết các ý kiến giám sát của Quốc hội, ĐBQH, các kiến nghị của cử tri... để nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động. Theo ĐB Đinh Xuân Thảo, điều quan trọng nữa là ngành Tòa án đã dũng cảm nhận việc khó - đó là tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đây là quy định rất tiến bộ nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND thực hiện quyền tư pháp, nhiệm vụ bảo vệ công lý.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre) cũng ghi nhận những kết quả mà ngành Tòa án đạt được như nâng cao chất lượng trong xét xử, tranh tụng… dù chưa như mong muốn. Với ngành Kiểm sát, ĐB Đặng Thuần Phong đánh giá cao việc nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố… song việc kiểm sát hoạt động tư pháp, đặc biệt kiểm sát án dân sự còn hạn chế; trong đó việc điều tra đấu tranh với tội phạm trong ngành Tư pháp còn thấp.

Phải có giải pháp hiệu quả khắc phục oan, sai

Dẫn thực trạng thời gian vừa qua có nhiều vụ án oan, sai xảy ra, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) đề nghị, thời gian tới, ngành Kiểm sát phải có những giải pháp hiệu quả khắc phục. Việc giám sát xử lý án oan, sai kết quả ra sao cũng cần thông báo công khai. ĐB Võ Thị Dung (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, phải khắc phục được tình trạng quan liêu trong tố tụng và xét xử. "Kết thúc nhiệm kỳ, những vụ việc đeo đuổi không hoàn thành được, tôi tự đánh giá mình không hoàn thành nhiệm vụ của một ĐBQH. Sự quan liêu trong hệ thống bộ máy hành pháp, tư pháp là rào cản với các ĐB tâm huyết, muốn giải quyết những bức xúc của người dân. Vừa qua, chúng ta đã phát hiện, giải quyết được nhiều vụ, nhưng mới chỉ là phần nổi" - ĐB Võ Thị Dung nói.

Theo ĐB Đặng Công Lý (Đoàn Bình Định), ngành Tư pháp đã có nhiều cố gắng, nhưng khi tiếp xúc cử tri, vẫn còn nhiều phàn nàn về việc vụ án dân sự phải xử đi, xử lại nhiều lần… Bên cạnh nguyên nhân khách quan là án dân sự tăng còn do ngành Tòa án thiếu cán bộ, từ đó chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt của Chánh án TAND Tối cao. ĐB Đinh Xuân Thảo cũng cho rằng, đội ngũ cán bộ tòa án chưa đồng đều về chất lượng, việc thực thi công vụ có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Ngành cần tiếp tục kiện toàn về tổ chức, tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh; có lộ trình từng bước nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với đội ngũ thẩm phán.

Khó đánh giá kết quả kiểm toán?

Thảo luận về báo cáo của KTNN, những bất cập đang đặt ra cũng được các ĐBQH thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá và đưa ra kiến nghị. Nhận xét kiểm toán có chức năng kiểm soát việc quản trị tài chính quốc gia, nhưng ai kiểm soát kiểm toán là câu hỏi ĐB Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội) đặt ra, đề nghị làm rõ. Theo ĐB Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre), lâu nay trong dư luận vẫn cho rằng, KTNN là "siêu quyền lực". Kiểm toán là cơ quan do Quốc hội lập ra nhưng lại không chịu sự giám sát, kiểm tra. Vì vậy, ĐB Đặng Thuần Phong đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát KTNN.

Ở góc độ khác, ĐB Vương Đình Huệ (Đoàn Bình Định) kiến nghị 4 vấn đề đối với KTNN. Thứ nhất, KTNN cần có các cuộc kiểm tra chuyên đề, trong đó chú trọng những vấn đề nóng như nợ công, nợ xấu, đồng thời đánh giá về chủ trương thu hồi vốn BOT… Thứ hai, KTNN nên công khai giám sát, chọn một số cuộc nêu công khai, minh bạch. Quan trọng hơn, kiểm toán phải kiểm tra được dự toán hoặc có báo cáo thẩm định dự toán gửi cho Quốc hội xem xét, tránh tình trạng khi trình ra Quốc hội mọi việc đã an bài. Thứ ba, nên đánh giá thêm hoạt động của kiểm toán với các cơ quan thành phố trực thuộc trung ương. Thứ tư, đề nghị Quốc hội yêu cầu Tổng Kiểm toán phải báo cáo công tác KTNN và nên áp dụng ngay tại kỳ họp của Quốc hội khóa XIV.

ĐB Đinh Xuân Thảo cho rằng "Tôi thấy số lượng cán bộ của KTNN nhiều hơn các nước, nhưng kết quả hoạt động còn hạn chế". Còn ĐB Võ Thị Dung (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, báo cáo của Tổng KTNN khó đánh giá vì không có cơ sở.

Cùng ngày, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
Ở vai nào cũng phải vì dân, vì nước

Đó là chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với báo chí bên lề phiên họp tổ ngày 23-3. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với vai trò là người đứng đầu Quốc hội, đã cố gắng cùng với tập thể hoàn thành tốt những việc được giao. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng cũng đánh giá, quá trình hoạt động Quốc hội phải hiểu công việc của Chính phủ và ngược lại. Nhưng chung quy lại, dù làm gì cũng phải hiểu được việc của dân, việc của đất nước.

Nói về kỷ niệm ấn tượng nhất trong nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đó là khi xây dựng Hiến pháp 2013. "Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Hiến pháp, vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Quốc hội, từng vị ĐBQH đã làm việc tận tụy, hết mình với tinh thần khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành. Cho đến tận 5h của ngày làm việc cuối cùng để chuẩn bị cho sáng hôm sau thông qua thì chúng tôi vẫn sửa, vẫn tiếp thu những ý kiến đóng góp" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Hồ Báchghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nóng" vấn đề kiểm soát và xử lý án oan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.