Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông thôn Hà Nội trên chặng đường mới

Nguyễn Mai| 19/04/2023 06:10

(HNM) - Ngày 17-3-2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025". Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài "Hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Nông thôn Hà Nội trên chặng đường mới", góp phần giúp độc giả thấy được những thành tựu cũng như những tồn tại và giải pháp tháo gỡ để Chương trình số 04-CTr/TU hoàn thành mục tiêu đề ra.

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Duyên Thái (huyện Thường Tín). Ảnh: Nguyễn Quang

Bài 1: Nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025 có ba mục tiêu chính: Xây dựng nông thôn mới thiết thực hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình số 04-CTr/TU đã đạt được những kết quả tích cực, với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc bảo đảm lộ trình đạt kế hoạch.

Làng, xã “thay da, đổi thịt”

Xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) đã có một sắc diện mới. Con đường bích họa nhiều màu sắc nối dài khắp các ngõ xóm... Trưởng thôn Yên Thịnh (xã Sơn Đà) Nguyễn Xuân Thông cho biết, thôn có 318 hộ dân, hằng tuần đều duy trì vệ sinh môi trường và góp công, góp của để dọn dẹp, quét vôi ve, vẽ tranh tường tô đẹp cho đường làng, ngõ xóm. Kinh tế phát triển, an ninh trật tự được giữ vững… Tất cả góp phần đưa xã Sơn Đà về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Ở thôn Thuận Quang, xã Dương Xá (huyện Gia Lâm), người dân không chỉ giỏi làm kinh tế từ nghề truyền thống, mà còn giỏi trong ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nông thôn mới. Bí thư Chi bộ thôn Thuận Quang Nguyễn Nhân Khả tự hào nói: “Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn đã hỗ trợ các hộ dân sử dụng công nghệ vào các tiện ích, như thanh toán tiền điện, nước; chuyển khoản khi mua sắm hàng hóa; thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tham gia vào các nhóm Zalo của thôn, xóm…”.

Mô hình “thôn thông minh”, hướng tới “xã thông minh” là những điều khác biệt trong thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU so với các giai đoạn trước. “Mô hình “thôn thông minh” giúp xã Dương Xá đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022”, Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh chia sẻ.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU đã có 23/33 chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc bảo đảm lộ trình của kế hoạch. Một số kết quả nổi bật, như: Hà Nội đã có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn của Hà Nội lên 100% số xã; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 71% so với mục tiêu chương trình); 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 25% so với mục tiêu chương trình). Đặc biệt, Hà Nội đã có thêm 8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số địa phương đạt chuẩn lên 15/18 huyện. Dự kiến, năm 2023, cả 3 huyện còn lại sẽ hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới.

Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,03%/năm, đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao (2,5-3%/năm). Đến nay, thành phố có 149 chuỗi liên kết được duy trì, phát triển và có 1.695 trang trại; 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao…

Đoàn thẩm định thành phố Hà Nội kiểm tra kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Dương Xá (huyện Gia Lâm).

Đồng lòng, dốc sức

Những bước đi vững chắc, những thành quả đáng khích lệ đó có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng lòng, dốc sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như người dân. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy được kiện toàn do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng ban. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cũng được thành phố triển khai khẩn trương, bài bản.

Đáng chú ý, việc tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới luôn được quan tâm kịp thời. Trong hơn 2 năm qua, toàn thành phố đã huy động được hơn 46.700 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là hơn 2.741 tỷ đồng, chiếm 5,8% phục vụ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, ngân sách thành phố còn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội 440 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ thành phố vào cuộc quyết liệt, các huyện, thị xã cũng tích cực triển khai các công việc trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện Thanh Trì trở thành địa phương tiêu biểu với 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã chỉ đạo các xã rà soát lại kết quả xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Chính vì vậy, khi áp bộ tiêu chí mới - cao hơn mức sàn của bộ Tiêu chí xã, huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, các xã đều sớm đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Thanh Trì đã về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Trong khi đó, huyện Ba Vì đã phát động, triển khai cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh chia sẻ, từ tháng 3-2022 đến quý I-2023, huyện xã hội hóa được 80,8 tỷ đồng để chỉnh trang diện mạo nông thôn. Đến nay, diện mạo nông thôn Ba Vì luôn phong quang, sạch đẹp.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông thôn Hà Nội trên chặng đường mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.