(HNM) - Mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô có một vùng nông thôn rộng lớn, trong đó, nhiều xã dân tộc, miền núi, xã vùng sâu, vùng xa khó khăn...
Làng quê đổi mới
Trong 5 năm qua, khu vực ngoại thành Hà Nội đã thực sự chuyển mình. Phong trào xây dựng NTM được phát động và trở thành phong trào thi đua rộng khắp ở các làng quê. Chỉ cách đây 5 năm, khi mới hợp nhất về Hà Nội, Mỹ Đức là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm tới 27%, thì nay nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước một diện mạo nông thôn hoàn toàn mới. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang cho biết, huyện đã phê duyệt hàng loạt quy hoạch, đề án như: Quy hoạch sản xuất nông lâm và thủy sản, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao ở 10 xã ven sông Đáy, đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng năng suất, giá trị cao… Mỹ Đức đã huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, thủy lợi nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Vì vậy, năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi không ngừng tăng, năm 2013, tổng giá trị ngành nông nghiệp của huyện đạt 528,9 tỷ đồng, tăng 20,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 15,5 triệu đồng, tăng 8,9 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 6,9%, giảm 20,24% so với năm 2008…
Đường liên thôn, liên xã tại xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) đã được bê tông hóa, thuận tiện cho người dân đi lại. Ảnh: Hữu Tiệp (CLB Nhiếp ảnh Báo Hànộimới) |
Không chỉ các huyện vùng sâu, vùng xa của Hà Tây (cũ) hay các xã của Hòa Bình, huyện Mê Linh được quan tâm có diện mạo mới mà sự đổi thay diễn ra đồng đều cả ở các huyện ngoại thành. Men theo sông Hồng về các xã Đông Dư, Đa Tốn, xuôi xuống Bát Tràng của huyện Gia Lâm, từ trên đê, phóng tầm mắt ra xa là những tuyến đường giao thông mới mở, to rộng dọc ngang qua những cánh đồng, làng mạc… Những ngôi nhà mới của các hộ dân hai bên đường ngày càng to, đẹp hơn cho thấy đời sống của người dân đã thêm phần sung túc. Tại xã Bát Tràng, Bí thư Đảng ủy xã Đào Xuân Hùng vui vẻ cho biết, với nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, sự chung sức của doanh nghiệp và nhân dân trong xã, đến nay, Bát Tràng đã cơ bản hoàn thành 15/18 tiêu chí NTM (xã không phải làm tiêu chí giao thông thủy lợi nội đồng do không sản xuất nông nghiệp) với 2 trường tiểu học và trung học cơ sở đã đạt chuẩn quốc gia; hàng chục kilômét giao thông nông thôn, chợ được xây dựng khang trang...
Hình thành nếp làm ăn mới
Diện mạo vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội không chỉ được "điểm tô" bởi những công trình hạ tầng khang trang mà còn thay đổi ngay trong nếp làm ăn mới. Về xã Tuy Lai, một điển hình trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT) của huyện Mỹ Đức dễ nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt trong sản xuất ở đây. Chị Nguyễn Thị Hằng, người dân trong xã cho biết, trước đây nhà có 6 sào, chia làm 12 thửa, giờ "thu lại" còn 2 thửa thuận tiện hơn nhiều, tất cả các khâu nặng nhọc như cày bừa, thu hoạch đều làm bằng máy. "Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đã giải phóng gánh nặng đôi vai, năng suất lúa đã tăng từ 62 tạ lên 69 tạ/ha" - Chị Hằng cho biết. Theo Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Hoàng Mạnh Sơn, 20/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hoàn thành DĐĐT, giao ruộng cho dân với tổng diện tích hơn 6.100ha, đạt 225% chỉ tiêu thành phố giao. Trước khi DĐĐT, toàn huyện có hơn 149.000 thửa, nay còn hơn 66.500 thửa, giảm hơn 82.000 thửa. Còn tại huyện Chương Mỹ, sau DĐĐT cũng đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như hoa, rau an toàn tại xã Thụy Hương; các dự án trồng lúa chất lượng cao ở xã Đồng Phú, Tốt Động, Trần Phú, Nam Phương Tiến… trồng cây ăn quả quy mô 50-60ha như dự án bưởi Diễn ở xã Nam Phương Tiến, Trần Phú; nhãn muộn ở Lam Điền; các dự án nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Thanh Bình, Trường Yên, Trung Hòa.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương, DĐĐT đã mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân Hà Nội. Đó là "tích tụ ruộng đất" để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, song ở nhiều huyện như Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ đã hình thành các vùng chuyên canh như rau, hoa… Đơn cử như nông dân xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao, trong khi diện tích đất sản xuất được giao có hạn, hàng trăm hộ dân đã tìm tới các huyện Đan Phượng, Hoài Đức thuê đất để mở rộng diện tích và tạo việc làm cho chính lao động địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, với việc phê duyệt hàng loạt quy hoạch chuyên ngành và các đề án liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp, đã tăng thêm giá trị thu nhập trên một hécta sản xuất nông nghiệp mỗi năm 6-8%. Sau 3 năm xây dựng NTM, đến nay Hà Nội đã có 244/401 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 19 tiêu chí, trong đó có 15 xã đã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt và cơ bản đạt 14-19 tiêu chí. Mặc dù có vùng nông thôn rộng lớn với 401 xã, xếp thứ 3 toàn quốc về số xã và thứ 5 toàn quốc về số thôn nhưng vùng nông thôn của Hà Nội đã thực sự có bước chuyển mình, trở thành điểm sáng của cả nước trong phong trào xây dựng NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.