Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông sản lên chợ online: Để không chỉ là ''phao cứu sinh''

Lam Giang| 30/05/2021 06:31

(HNM) - Trong bối cảnh nhiều loại nông sản gặp khó về đầu ra do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các cơ quan chức năng đã “bắt tay” với các sàn thương mại điện tử khơi thông đường đến thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để việc đưa nông sản lên chợ trực tuyến (online) không chỉ là “phao cứu sinh” mà còn là kênh tiêu thụ lâu dài, rất cần những giải pháp đồng bộ, trong đó cốt lõi là nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo kết nối chặt chẽ trong chuỗi cung ứng.

Đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) trước khi đưa lên sàn online tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Minh Khuyên

Hành tím, vải thiều... lên "chợ mạng"

Từ ngày 24 đến 26-5, 14 tấn vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đã nhanh chóng được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Sendo. Đây là những sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm minh bạch thông tin về canh tác, thu hái và vận chuyển. Trước đó, từ ngày 19-5, vải thiều Thanh Hà cũng chính thức được mở bán ở vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”. Chị Vũ Thị Hằng (phố Đức Giang, quận Long Biên) cho biết: “Nhờ hình thức bán hàng trên mạng thuận tiện này, nhiều người tiêu dùng được biết đầy đủ thông tin về vải thiều Thanh Hà và có thể đặt mua qua chợ online rất tiện lợi”.

Cũng qua “Gian hàng Việt trực tuyến” của sàn thương mại Voso, chỉ trong 10 ngày (từ ngày 5 đến 15-5) đã có gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) được tiêu thụ. Đại diện sàn thương mại điện tử Voso cho biết, với mức tiêu thụ 3-5 tấn/ngày, dự kiến đến hết tháng 5 sẽ có khoảng 150 tấn hành tím Vĩnh Châu được bán qua chợ online này.

Cùng với đó, các sự kiện nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên nền tảng số theo chủ đề, như “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ dừa quê hương Bến Tre”... cũng được triển khai đồng loạt trong thời gian qua. Ngay cả các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok trên ứng dụng của các sàn thương mại điện tử cũng được tận dụng tối đa để hàng hóa, nông sản tiếp cận với người tiêu dùng khắp nơi.

Đây là các chương trình do Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với các sàn thương mại điện tử thực hiện, nhằm kết nối tiêu thụ nông sản của các địa phương. Đến nay, chương trình đã có sự tham gia của các sàn thương mại điện tử lớn, như: Sendo, Voso, Tiki, Lazada, Alibaba, Amazon…

Kết nối chặt chẽ chuỗi cung ứng

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh hình thức thu mua, tiêu thụ online và sẽ nhận hàng tại các cửa khẩu. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ địa phương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải trên các sàn thương mại điện tử, các phiên giao thương trực tuyến.

Trên thực tế, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố và các sàn thương mại điện tử đã thành lập nhóm chuyên trách, xuống tận địa phương tập huấn, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân đăng bán, đóng gói, ghi và phát trực tiếp hình ảnh sản phẩm cũng như vận chuyển tiêu thụ. Đến nay, hàng nghìn lượt doanh nghiệp, nông hộ, hợp tác xã đã được tập huấn phương thức bán hàng online. Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại đã phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, giúp các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, theo dõi nhật ký sản xuất, hỗ trợ chống hàng giả, hàng kém chất lượng, có thể truy vết và triệu hồi sản phẩm khi có yêu cầu.

Có thể thấy, công nghệ đã được chú trọng áp dụng trong các quy trình sản xuất, phân phối với thông tin minh bạch, tạo lòng tin cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam James Dong cho biết, sau vải Thanh Hà, Lazada sẽ tiếp tục hợp tác đưa thêm nhiều đặc sản Việt Nam lên sàn thương mại điện tử của mình.

Từ cái “bắt tay” của cơ quan chức năng và các nền tảng số, con đường mới tiếp cận thị trường của nông sản Việt Nam đã được khai mở. Tuy nhiên, làm sao để con đường ấy ngày càng rộng mở, không chỉ là “phao cứu sinh” nhất thời là vấn đề đang được đặt ra.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, trở ngại lớn nhất hiện nay là nhận thức của doanh nghiệp, hộ nông dân với phương thức kinh doanh online còn hạn chế. Do đó, các chương trình tập huấn tiếp tục được tổ chức, gồm quy trình bán hàng trên chợ online, cách chăm sóc khách hàng... đặc biệt là hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn để cung cấp sản phẩm chất lượng. Mặt khác, để nông sản có thể tiêu thụ thuận lợi trên sàn thương mại điện tử, rất cần sự kết nối chặt chẽ các khâu đóng gói, bảo quản, vận chuyển…

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sendo Nguyễn Quang Thuật, mấu chốt là sự kết nối chuỗi cung ứng từ người trồng, thu mua với đơn vị vận chuyển và sàn thương mại điện tử. Theo đó, chuỗi cung ứng phải bảo đảm chặt chẽ, để sản phẩm tới tay người tiêu dùng nhanh nhất, với chất lượng tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản lên chợ online: Để không chỉ là ''phao cứu sinh''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.