(HNM) - Đây là lần đầu tiên vấn đề chỗ học cho trẻ dưới 3 tuổi được đưa ra bàn thảo với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và địa phương.
Công tác quản lý các nhóm, lớp mầm non tư thục còn nhiều bất cập. Ảnh: Thái Hiền |
1/3 số nhóm lớp chưa đủ điều kiện
Đây là lần đầu tiên vấn đề chỗ học cho trẻ dưới 3 tuổi được đưa ra bàn thảo với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và địa phương. Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 2-2014, có khoảng 2/3 số cơ sở trong số hơn 16 nghìn NLMNĐLTT đang hoạt động được cấp phép, số còn lại chưa được cấp phép (gần 5.600 cơ sở). Bắc Ninh còn gần 1.200 cơ sở chưa được cấp phép; con số này tại Hà Nội là 119, Hải Phòng và Ninh Bình mỗi nơi còn hơn 400, Hải Dương còn 132… Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở này không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, vướng mắc về thủ tục thuê địa điểm, trình độ giáo viên hạn chế, không ổn định về số lượng… Điều đáng lưu ý là đa số trẻ được gửi tại các cơ sở này đều ở độ tuổi dưới 3, tức là trong độ tuổi nhà trẻ. So với tổng số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường trên toàn quốc, tỷ lệ trẻ nhà trẻ tại các NLMNĐLTT chiếm 31%, đồng nghĩa có nhiều trẻ đang được gửi tại các cơ sở chưa được cấp phép.
Thực tế cho thấy, việc quản lý mô hình này không đơn giản. Hà Nội và một số nơi từng có chủ trương chỉ phát triển mô hình trường mầm non tư thục, hạn chế thành lập các nhóm, lớp. Nhưng theo phản ánh của nhiều địa phương, các cơ sở này vẫn mọc "như nấm sau mưa", tập trung tại các khu công nghiệp, khu đô thị mới, nơi đông dân cư… Giải pháp quản lý luôn lâm vào tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", đóng cửa nơi này lại mọc ở nơi khác.
Bất cập trong công tác quản lý các NLMNĐLTT chưa được cấp phép hiện nay là hệ thống trường mầm non công lập và cả trường ngoài công lập chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến lớp trong phạm vi cả nước mới đạt 24% số trẻ trong độ tuổi. Kết quả khảo sát của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam mới đây cho thấy có tới hơn 70% số gia đình được hỏi cho biết họ gửi con vào nhóm lớp độc lập vì gần nhà, hơn 40% nói vì giờ gửi - trả trẻ khá linh động. Thế nhưng, số gia đình quan tâm đúng mức đến chất lượng chăm sóc trẻ và trình độ giáo viên chỉ chiếm tỷ lệ 30%.
Bộ GD-ĐT và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang xây dựng dự thảo "Đề án hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng" giai đoạn từ nay đến năm 2020. Giải pháp được tập trung triển khai là hỗ trợ các nhóm lớp chưa được cấp phép hoàn thiện điều kiện để được hoạt động và bàn giao cho cơ quan quản lý; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên tại các nhóm trẻ độc lập; xây dựng chính sách cho GV chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi. Bản đề án dự kiến trình Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 3-2014. |
Không chỉ cần hậu kiểm chặt
Chỗ học cho trẻ dưới 3 tuổi đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định không thể dẹp bỏ NLMNĐLTT bởi mô hình này đáp ứng nhu cầu thiết yếu của phụ huynh trong bối cảnh các trường công lập chỉ đủ chỗ để nhận trẻ 3-5 tuổi. Vấn đề đặt ra là phải tăng cường hậu kiểm đối với các NLMNĐLTT tại từng địa bàn dân cư, không thể để các cơ sở này hoạt động tự phát. Thực tế cho thấy, nếu có quy chế phối hợp tốt, các lực lượng xã hội, cộng đồng dân cư cùng tham gia vào việc kiểm soát hoạt động của các cơ sở này thì sẽ tạo hiệu quả mong muốn, như đã thấy qua kết quả triển khai tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Huyện này đã xây dựng quy chế phối hợp giữa phòng GD-ĐT với UBND các xã, thị trấn về quản lý các NLM NĐLTT tại địa bàn với 9 điều, trong đó phân công trách nhiệm, xác định rõ vai trò quan trọng của chính quyền địa phương. Kinh nghiệm tại Đà Nẵng là giao trách nhiệm quản lý các NLMNĐLTT cho chủ tịch các phường/xã, chỉ cần một trẻ tại cơ sở mầm non có vấn đề về sức khỏe thì chủ tịch phường/xã đó phải chịu trách nhiệm liên đới… Trong khi đó, Hải Phòng đề cao trách nhiệm của tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực và hội phụ nữ xã, phường, coi đó là "mắt thần" có thể giúp phát hiện sai phạm kịp thời.
Ý kiến của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng là ý kiến được thống nhất tại hội thảo, cho rằng đã đến lúc cần tập trung giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu lớn và ngân sách có hạn, nhất là trong việc tạo chỗ học bảo đảm chất lượng cho trẻ dưới 3 tuổi. Vì vậy, ngoài vấn đề hậu kiểm thì cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ loại hình trường mầm non tư thục nói chung và các nhóm lớp lẻ nói riêng phát triển đúng định hướng và nằm trong tầm kiểm soát, không nên vì những vấn đề nhỏ là "tuýt còi". Các ý kiến đồng tình với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bổ sung việc tổ chức nhà trẻ vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư của Nhà nước. Kèm theo đó là những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai… tạo cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay chăm lo cho trẻ nhỏ. Đó cũng là tiền đề tạo nên chất lượng giáo dục bền vững từ gốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.