(HNM) - Như Hànộimới đã đưa tin, hội thảo "Xây dựng chính sách cấp bách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình" do Bộ VH,TT&DL vừa tổ chức đã xới lên những bất cập, bức xúc, đòi hỏi phải giải quyết cấp bách. Nổi cộm là vấn đề quy hoạch lễ hội, cơ chế quản lý những môn nghệ thuật mới, làm thế nào để phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở…
"Nóng" lễ hội
Không ngoài dự kiến, vấn đề tổ chức, quản lý lễ hội hiện nay như thế nào, xây dựng chính sách bảo tồn và phát triển lễ hội cho những năm tiếp theo ra sao đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu. Ông Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VH,TT&DL) bức xúc: "Tôi thấy rằng, rất nhiều lễ hội gắn với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đang có xu hướng thương mại hóa, làm hỏng không gian văn hóa cũng như giá trị vốn có của lễ hội. Một số lễ hội do chính quyền địa phương tổ chức đã bỏ qua sự tham gia tự nhiên của cộng đồng, gây lãng phí, tốn kém và bức xúc trong dư luận như Lễ khai ấn đền Trần, phủ Giầy (Nam Định), Lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), chùa Tây Phương (Hà Nội)"…
Việc tổ chức lễ hội đang được xã hội quan tâm. Ảnh: Thái Hiền |
Từ thực tế đó, ông Hồ Việt Hà kiến nghị sớm tiến hành quy hoạch lễ hội, theo hướng lễ hội nào của dân thì để nhân dân làm chủ thể, chính quyền chỉ tham gia quản lý an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh thực phẩm; những lễ hội mang tính chất sự kiện hay festival thì Nhà nước đứng ra tổ chức nhưng phải có sự kiểm duyệt nội dung, chương trình rõ ràng nhằm tránh tình trạng na ná nhau, gây thất vọng, nhàm chán cho công chúng.
Nhiều đại biểu cũng đề xuất Bộ đưa ra những tiêu chí để phân biệt giữa festival và lễ hội, đơn vị quản lý chương trình nghệ thuật trong lễ hội, phân cấp lễ hội… Việc thiếu nguồn nhân lực trong tổ chức, quản lý lễ hội cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.
"Tuýt còi" nghệ thuật phản cảm
Về vấn đề quản lý những môn nghệ thuật mới, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nói: "Hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện nay không theo kịp sự phát triển đa dạng của các loại hình nghệ thuật. Đó chính là kẽ hở để không ít nghệ sĩ "tự tung tự tác", đánh bóng tên tuổi bằng những màn biểu diễn hoàn toàn không có giá trị nghệ thuật, ít nhất là theo lề lối cảm thụ truyền thống của người Việt".
Ông Vi Kiến Thành bức xúc: Công chúng hẳn chưa quên màn trình diễn rợn người của nghệ sĩ trẻ Lại Thị Diệu Hà: nude 100% rồi phủ lông chim khắp người để "bay lên". Màn trình diễn này khiến người xem ngại ngùng bởi sự sống sượng được khoác danh nghệ thuật. Ngoài "sự kiện" Lại Thị Diệu Hà, còn có thể thấy nhiều màn trình diễn phản cảm khác trong thời gian gần đây. Nào là quằn quại, la hét, quấn dây chun chằng chịt quanh người, cởi quần… nào là ngồi đọc báo trong WC, người hóa thành… cột điện cho một đứa trẻ tè vào chân "cột"… Đáng nói hơn, dẫu phản cảm, không phù hợp với văn hóa Việt nhưng lâu nay vẫn chưa có trường hợp nào bị "tuýt còi".
Nhiều đại biểu kiến nghị các cơ quan hữu quan sớm xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý các chương trình nghệ thuật mới. Trong khi chờ đợi, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở địa phương phải phân công người kiểm tra, theo dõi các hoạt động này ngay từ cơ sở, tránh tình trạng nhà quản lý chỉ biết đến sự việc khi dư luận đã lên tiếng. "Đây là điều không dễ thực hiện bởi như trong lĩnh vực mỹ thuật gần như tất cả sở VH,TT&DL địa phương đều không có cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý mỹ thuật; nếu có thì chỉ là những người có thể thẩm định một số triển lãm hội họa truyền thống với trình độ làng nhàng", ông Vi Kiến Thành nhận định.
Với thực trạng này, xem ra không chỉ "cấm" là có thể quản lý được những hoạt động nghệ thuật gây phản cảm.
"Lãng quên" thiết chế sinh hoạt văn hóa
Trong hội thảo, rất nhiều ý kiến phản ánh hiện trạng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở nhiều nơi đang trong tình trạng báo động do thiếu chính sách đầu tư đồng bộ. Nhà văn hóa thôn, xóm được đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng, nhưng mới được phần "vỏ", còn "ruột" thì chưa được quan tâm. Mà nếu đủ cả "vỏ" và "ruột" thì cũng mới chỉ là phần "xác", còn phần "hồn" duy trì được cũng là cả câu chuyện dài. Vì thế, nhiều nhà văn hóa chỉ là nơi họp dân chứ không phải là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Mạng lưới thư viện cơ sở hoạt động èo uột do thiếu cả về vật chất, nhân lực lẫn kinh phí hoạt động. Không phủ nhận thực tế này, nhưng ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc lưu ý, khi đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở cần đặc biệt chú ý tới nét đặc thù của mỗi vùng, miền để tránh sự áp đặt, cứng nhắc.
Liên quan đến việc xây dựng và phát huy thiết chế văn hóa, theo ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Cơ quan Đại diện Bộ VH,TT&DL tại TP Hồ Chí Minh, Bộ VH,TT&DL nên xây dựng chế độ ưu đãi đặc biệt trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho lĩnh vực văn hóa ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Để làm được việc này, có hai điều kiện "cần": một, là chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế đất, thuế hoạt động kinh doanh cho các đơn vị hoạt động vì sự nghiệp văn hóa ở vùng sâu, vùng xa; hai, là sớm hoàn thành việc quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động VH,TT&DL trên phạm vi toàn quốc...
Về kiến nghị của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh khẳng định sẽ giao cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu để có giải pháp phù hợp trong thời gian sớm nhất. Khối lượng việc cần làm không ít nhưng hi vọng mọi việc sẽ không bị xới lên rồi bỏ đấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.