Nông nghiệp - Nông thôn

Nông nghiệp quý I-2025 tăng trưởng ổn định

Ngọc Quỳnh 09/04/2025 - 11:30

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I năm 2025 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các địa phương trên cả nước đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, chăm sóc vụ đông xuân. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; sản xuất lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì theo hướng tích cực...

Diện tích gieo trồng và sản lượng tăng

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đến cuối tháng 3-2025, cả nước đã gieo cấy được 2.949,4 nghìn héc-ta lúa đông xuân, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy được 1.033,4 nghìn héc-ta, giảm 0,7% và các địa phương phía Nam gieo cấy được 1.916 nghìn héc-ta, tăng 1,3%. Sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt 9,6 triệu tấn, năng suất ước tính trên diện tích thu hoạch lúa đông xuân tại các tỉnh phía Nam ước đạt 71 tạ/ha, tương đương cùng kỳ năm trước.

lua-xuan.jpg
Nông dân Hà Nội tập trung chăm sóc lúa xuân. Ảnh: Tùng Nguyễn

Hiện các địa phương phía Bắc đang tiến hành chăm sóc lúa đông xuân để cây lúa sinh trưởng thuận lợi, đạt tỷ lệ đẻ nhánh tối ưu và tập trung phòng trừ sâu bệnh gây hại. Các trà lúa xuân sớm đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, trà xuân muộn đang hồi xanh - đẻ nhánh.

chan-nuoi-chuong-my.jpg
Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định. Ảnh: Hương Giang

Còn theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Dương Tất Thắng, chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được tăng cường, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Đến hết quý I-2025, tổng đàn lợn cả nước đạt 31,8 triệu con, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đàn gia cầm cả nước phát triển tốt nhờ kiểm soát được dịch bệnh; các cơ sở chăn nuôi giữ ổn định quy mô, nguồn cung thịt và trứng gia cầm với tổng đàn 574,5 triệu con, tăng 3,4% so với cùng thời điểm năm 2024.

chan-nuoi.jpg
Chăn nuôi lợn tăng trưởng và đạt giá cao. Ảnh: Hương Giang

Nuôi trồng và khai thác thủy sản quý 1-2025 cũng tăng mạnh về sản lượng và giá cả. Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho biết, sản lượng thủy sản đạt khoảng 1.993,4 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.480,3 nghìn tấn, tăng 2,9% và tôm đạt 202,4 nghìn tấn, tăng 4,6%. Ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước triển vọng tươi sáng, được thúc đẩy bởi sự hồi phục của nền kinh tế thế giới. Nhu cầu tiêu dùng thủy sản gia tăng mạnh mẽ tại các thị trường trọng điểm, như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc khai phá các thị trường tiềm năng mới nổi ở châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông hứa hẹn tăng trưởng vượt bậc...

thuy-san.jpg
Các địa phương tập trung nuôi trồng thủy sản: Ảnh: Hồng Thắm

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, quý I-2025, tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, chăn nuôi phát triển. Tổng đàn trâu hiện có 29,6 nghìn con, tăng 1%; đàn lợn khoảng 1,25 triệu con, giảm 1,77%, nhưng sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 66,1 nghìn tấn, tăng 2,95%; đàn gia cầm có khoảng 35,8 triệu con, tăng 0,56% so với cùng kỳ năm trước…

Toàn thành phố đã gieo cấy 79.749,3ha lúa xuân, đạt 100% kế hoạch; diện tích gieo trồng 19.687ha, đạt 90,9% kế hoạch. Hiện tại, lúa và hoa màu đều sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến cho năng suất, chất lượng cao.

Sản xuất theo nhu cầu thị trường và kiểm soát dịch bệnh

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các đơn vị phối hợp với địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch lúa vụ đông xuân, sản xuất vụ hè thu sớm tại các tỉnh phía Nam; gieo cấy và chăm sóc lúa đông xuân tại các tỉnh phía Bắc; xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, nhất là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

Các địa phương cũng cần tính toán kỹ thời vụ từng cây trồng để có kế hoạch chuyển đổi diện tích không đủ nước sang gieo trồng rau màu để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

ha-vy.jpg
Các địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: Hương Giang

Đối với cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu, như: Thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng, các địa phương cần tuyên truyền nông dân trồng rải vụ, phù hợp thị trường tiêu thụ, bán được giá tốt.

Về chăn nuôi, cần thúc đẩy phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm; triển khai mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng, nhất là chăn nuôi lợn; kiểm soát chất lượng giống thủy sản, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản…

hoa-giay.jpg
11.jpg
Hà Nội sản xuất nông nghiệp theo hướng trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Ảnh: Hương Giang

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, từ nay đến cuối năm, Hà Nội phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, theo hướng hàng hóa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, đậu, cây ăn quả, hoa và cây cảnh; khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống để tập trung phát triển cây rau, đậu thực phẩm, cây ăn quả. Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn được kiểm soát; tăng thêm cửa hàng, điểm bán rau an toàn, hình thành thêm nhóm tiêu thụ rau an toàn tại các khu dân cư để nâng cao giá bán; chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, cơ cấu lại đàn vật nuôi, tập trung phát triển con giống chất lượng cao trên cơ sở lưu giữ, bảo tồn giống bản địa...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp quý I-2025 tăng trưởng ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.