Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông nghiệp duy trì ổn định, an sinh xã hội bảo đảm

Bạch Thanh - Ảnh: Quang Thái| 10/09/2021 12:05

(HNMO) - Sáng 10-9, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thúc đẩy phát triển nông nghiệp và phòng, chống thiên tai trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; cùng đại diện các sở, ngành liên quan; Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, xã, thị trấn... trên địa bàn thành phố.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến triển khai thúc đẩy phát triển nông nghiệp và phòng, chống thiên tai trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.

Mặt trận nông nghiệp được giữ vững

Tại đầu cầu UBND thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường báo cáo: Nhờ những giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất khi dịch Covid-19 bùng phát, mặt trận nông nghiệp của thành phố vẫn được giữ vững.

8 tháng năm 2021, toàn thành phố gieo trồng được 85.000ha lúa xuân, hơn 77.000ha lúa mùa, 28.454ha rau các loại; 5.778ha diện tích hoa, cây cảnh... Chăn nuôi trâu bò ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra; đàn lợn có sự phục hồi, đạt 1,27 triệu con, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm đạt 39,8 triệu con, tăng 0,4% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản ước đạt 73,8 nghìn tấn, tăng 3%. Nông dân các địa phương đang vào vụ thu hoạch rộ lúa mùa, hứa hẹn bội thu...

Về kế hoạch sản xuất nông nghiệp theo phương án phân vùng các tháng cuối năm, toàn thành phố ổn định, chăm sóc tốt cho 19.390ha cây ăn quả hiện có tại phân vùng 2, 3. Tổng diện tích cây ăn quả cho thu hoạch 4 tháng cuối năm khoảng 12.347ha, chủ yếu là chuối, ổi, táo, bưởi, cam... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng dẫn trồng mới thêm 1.000ha cây ăn quả tại phân vùng 2, 3.

Từ nay đến cuối năm, Hà Nội duy trì phát triển tổng đàn chăn nuôi trâu, bò 27.000 con; đàn lợn khoảng 1,6 triệu con trở lên; giữ ổn định đàn gia cầm 40 triệu con; rà soát, mở rộng phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 600ha, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cuối năm.

Để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, ngành Nông nghiệp nỗ lực phòng, chống ngập úng, giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả; chủ động vận hành tối đa các công trình tiêu thoát nước hợp lý trong hệ thống thủy lợi, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra mưa lớn...

Theo báo cáo của các địa phương tham dự hội nghị trực tuyến, sau khi thực hiện Chỉ thị 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố và phương án phân vùng chống dịch số 204 ngày 3-9-2021 đến nay, nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ nông sản tại các địa phương đã được tháo gỡ, sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, xác định dịch bệnh không thể chấm dứt trong thời gian ngắn, ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành, địa phương nỗ lực tạo thuận lợi cho bà con, thương lái và hỗ trợ phương tiện thu hoạch, bảo đảm thu hoạch tốt lúa mùa, rau màu, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản các loại, giúp nông dân vượt qua khó khăn của đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tiếp tục quan tâm, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp, bình ổn giá vật tư đầu vào, giúp người dân tái đầu tư sản xuất...

Tháo gỡ kịp thời khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận các địa phương đã nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh, động viên nhân dân duy trì sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của nhân dân thành phố trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thời gian tới, sản xuất nông nghiệp và lưu thông hàng hóa tại một số địa bàn còn khó khăn, giá vận chuyển, giá vật tư đầu vào tăng cao; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nếu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại lơ là thì sẽ rất nguy hiểm. Hà Nội là thị trường trung chuyển hàng hóa lớn trong khi tâm lý sản xuất của người dân còn cầm chừng, ngại mở rộng quy mô..., nếu Hà Nội không mở rộng tốt thị trường tiêu thụ, sẽ rất khó kích thích sản xuất.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận cuộc họp.

Do vậy, để bảo đảm nông sản phục vụ thời kỳ giãn cách, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thực hiện "mục tiêu kép" từng bước vừa sản xuất, vừa phòng dịch trong điều kiện mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, đối với lĩnh vực sản xuất, trước mắt, các địa phương cần tập trung thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng"; các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển cây vụ đông xuân và có chỉ tiêu cụ thể đối với từng nhóm cây trồng. Ngành Nông nghiệp cần tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng cây trồng. Trong chăn nuôi, cần rà soát phương án phòng, chống dịch bệnh, hướng tới chăn nuôi quy mô lớn, an toàn. Về lâu dài, phải tập trung phát triển nông nghiệp theo quy hoạch vùng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua, chế biến, tạo dựng thị trường. Các khâu hỗ trợ sản xuất như sơ chế, chế biến nông sản... cần được quan tâm đầu tư xứng tầm với vị thế của Thủ đô.

Đối với phòng, chống lụt bão, úng ngập, ngành Nông nghiệp phải rà soát lại toàn bộ phương án phòng, chống lụt bão, úng ngập, không chỉ ở khu vực ngoại thành mà cả các quận; chủ động dự báo, nắm bắt tình hình mưa bão để không bị động, tránh thiệt hại trên cây trồng, vật nuôi.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội mong muốn, đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, mặc dù giãn cách xã hội nhưng các địa phương vẫn phải tập trung nguồn lực hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, bảo đảm việc đánh giá cuối năm đạt mục tiêu đề ra.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến lưu ý thêm các huyện, thị xã tổ chức đón tiếp chu đáo các y, bác sĩ của địa phương bạn tới hỗ trợ; tổ chức tiêm vắc xin an toàn, đúng quy định. Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định cách ly, điều trị tập trung với F0, F1... Các cơ sở y tế phải có điều chỉnh linh hoạt, thực hiện nghiêm quy tắc "5K", "5T".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp duy trì ổn định, an sinh xã hội bảo đảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.