Campuchia là thị trường tiềm năng của Việt Nam và đang ngày càng được đầu tư mạnh mẽ. Nông dược là mặt hàng khó cạnh tranh, tuy nhiên, Việt Nam đã có được những bước tiến đầu tiên đáng khích lệ.
Quyết tâm trên "sân khách"
Để tạo tiền đề cho việc tiến vào thị trường nông dược Campuchia, Công ty Cổ phần Nông dược H.A.I vừa phát hành riêng lẻ thành công 15 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược là Tập đoàn FLC. Theo đó, vốn điều lệ của Công ty tăng lên trên 1.000 tỷ đồng. Động thái này được kỳ vọng sẽ là nền tảng tài chính vững mạnh để H.A.I thực hiện các kế hoạch chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.
Thị trường nông dược Campuchia được đánh giá là khó tính, khốc liệt và việc tiến vào thị trường này là điều không phải dễ. Vì vậy, dù đã có nền móng thị trường ở quốc gia này nhưng giấc mơ quảng bá thương hiệu và cạnh tranh với thị trường trên sân khách của H.A.I vẫn chưa thể thành hiện thực.
Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực và sự minh bạch, kế hoạch rõ ràng thì mới đây, CTCP Nông dược H.A.I vừa nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia về việc tổ chức hội thảo quảng bá cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở vương quốc này.
Điều này đã mở ra nhiều hy vọng cho nông dược Việt xuất ngoại khi H.A.I trở thành doanh nghiệp đầu tiên nhận được loại giấy phép này. Theo đó, H.A.I sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch thống lĩnh thị trường thuốc bảo vệ thực vật ở quốc gia này trong thời gian tới đây.
Tại Hội nghị sơ kết vụ Đông Xuân 2014 - 2015 được tổ chức cuối tuần qua, H.A.I đã thống nhất kế hoạch chi tiết mở rộng hệ thống phân phối và phát triển thương hiệu, sản phẩm cho giai đoạn tiếp theo. Công ty này đặt mục tiêu 870 tỷ đồng doanh thu, 86 tỷ đồng lợi nhuận cho vụ Hè Thu 2015 (chưa tính lợi nhuận từ các công ty con), lớn hơn nhiều mức kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông H.A.I thông qua hồi cuối năm 2014.
Cụ thể, Chi nhánh H.A.I Campuchia sẽ mở rộng quảng bá các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, mở rộng mạng lưới phân phối, bao gồm các đại lý cấp 1 và 2 trên toàn lãnh thổ Campuchia; mở rộng quan hệ và thúc đẩy việc bán hàng cho các công ty Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Campuchia…
Việc quảng bá và mở rộng mạng lưới tại Campuchia nằm trong chiến lược phát triển, chiếm lĩnh các thị trường của H.A.I, là tiền đề để phát triển sang các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới vào cuối năm 2015 và trong năm 2016.
Hiện nay, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong số 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Campuchia. Trong năm 2014, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào Campuchia tiếp tục tăng với hàng chục dự án được cấp phép mới và điều chỉnh tăng vốn. Số tiền doanh nghiệp đầu tư vào Campuchia lên tới gần 400 đô la Mỹ trong năm 2014.
Tăng kim ngạch thương mại lên 5 tỷ USD
Hai quốc gia Việt Nam và Campuchia đều có quyết tâm hướng tới việc đưa kim ngạch thương mại trong năm 2015 lên 5 tỷ đô la Mỹ. Trong buổi hội đàm với Bộ trưởng Kế hoạch Campuchia Chhay Nathan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị hai Bộ sớm đánh giá và có các giải pháp nhằm tăng kim ngạch thương mại song phương, phấn đấu sớm đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương 5 tỷ USD.
Các loại hàng hóa có mức tiêu thụ tốt tại khu vực Tây Bắc Campuchia là hàng tiêu dùng gia đình; nguyên vật liệu xây dựng; đồ nội thất; hàng điện lạnh; máy móc phục vụ nông nghiệp; thức ăn chăn nuôi; giống, thuốc bảo vệ cây trồng và vật nuôi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng khẳng định, Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Campuchia, nhất là các dự án trồng cây cao su, đồng thời mong muốn Chính phủ Campuchia sớm giải quyết vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện dự án nhằm giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Campuchia.
Bên cạnh đó là rà soát, tháo gỡ các rào cản thương mại giữa hai nước góp phần tạo lập môi trường kinh doanh tại Campuchia theo hướng ổn định, minh bạch và an toàn hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.