(HNM) - Sau bao nhiêu ngày trông ngóng, giờ thành quả là những cánh đồng lúa xác xơ, năng suất quá thấp, có diện tích chỉ đạt 10-40kg thóc/sào…
Theo chân những người dân xã Quảng Phú Cầu, chúng tôi đi một vòng quanh các cánh đồng Gỡ, Trung, Trung Khoái, Quang, Bình, Kem, Gồ… Trên các cánh đồng lác đác có thửa ruộng đã gặt xong, nhiều thửa ruộng lúa vẫn lỗ chỗ xanh, song đa phần bông lúa đều sạm đen, lép và không ít thửa ruộng lúa như "cỏ lau". Càng khu đồng trũng, lúa càng xác xơ, nhiều đám nằm rạp, bông lá bạc trắng, khô như rơm. Mất mùa, hàng trăm hộ dân ở các thôn Phú Lương Thượng, Đạo Tú, Xà Cầu, Cầu Bầu… của xã Quảng Phú Cầu đang như ngồi trên đống lửa. Ông Ngô Quốc Gia ở xóm 8, thôn Phú Lương Thượng, xã Quảng Phú Cầu, nói trong nỗi xót xa: "Gia đình tôi cấy 3,2 mẫu giống CLC do Công ty Vật tư Giống cây trồng Hà Tây (trụ sở tại huyện Ứng Hòa) cung ứng thông qua HTX. Đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch xong 2 mẫu nhưng chỉ được ngót 5 tạ thóc (bình quân 25kg/sào). So với những vụ trước, năm nay chúng tôi thất thu quá nhiều, với năng suất thế này, công sức bỏ ra coi như mất trắng…".
Chi phí tiền phân bón, công cày bừa, cấy… khoảng 600 nghìn đồng/sào nên việc mất mùa khiến nhiều hộ dân Quảng Phú Cầu chán nản, thất vọng. Chị Lê Thị Hoài, thôn Đạo Tú bộc bạch, gia đình chị cấy 5 sào lúa CLC ở xứ đồng Bình và đồng Kem, nhưng khi gặt cả 5 sào chưa được 1 tạ thóc khiến nguy cơ thiếu lương thực hiện hữu. Tương tự, chị Lê Thị Hoàn, thôn Phú Lương Thượng cấy 3,8 sào lúa CLC, nhưng cũng chỉ ước đạt năng suất 40kg/sào nên băn khoăn không biết có nên bỏ công ra gặt lúa về hay không.
Nông dân xã Quảng Phú Cầu buồn rầu khi lúa mất mùa. |
Mất mùa do ngập úng và chuột phá hoại?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ nhiệm HTX thừa nhận năng suất lúa vụ mùa năm 2013 đạt thấp, có diện tích chỉ đạt 10-20kg/sào, thậm chí mất trắng vì lúa bị ngập úng và chuột phá hoại. Ông Hiền cho biết: Đúng vào thời điểm lúa làm đòng, nhiều diện tích canh tác nằm ven kênh Vân Đình bị ngập úng dài ngày do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và 6 (cuối tháng 7, đầu tháng 8-2013), lúa không quang hợp được, sinh trưởng phát triển kém, dẫn đến bị nghẹn đòng. Sau khi nước rút, lúa trổ bông, phơi màu lại gặp mưa nên tỷ lệ hạt lép và đen cao, đặc biệt là giống lúa Bắc thơm số 7 bị nhiễm bệnh bạc lá nặng, năng suất đạt thấp. Để "cứu" lúa khỏi ngập úng do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và 6, HTX đã tiến hành bơm tiêu 24/24 giờ trong 8 ngày ở 9/10 trạm bơm với tổng công suất 1.200m3/giờ. Tuy nhiên, do công suất máy bơm nhỏ (mỗi máy chỉ đảm nhận bơm tiêu cho 50 mẫu ruộng), trong khi tổng diện tích đất lúa toàn xã là 1.484 mẫu, lại thêm mực nước sông Vân Đình cao hơn trong đồng nên việc bơm tiêu ra sông gặp khó khăn, nước rút rất chậm. Bên cạnh đó, nhiều diện tích lúa ở xứ đồng Con Voi, Vườn Lai thuộc đội 1, thôn Xà Cầu, đồng Mả Tre, Chùa Chiết ở đội 6, thôn Quảng Nguyên… còn bị chuột phá hoại nghiêm trọng, có diện tích sản lượng bị giảm 50-70%.
Theo số liệu thống kê của HTX, vụ mùa 2013 toàn xã có 130,258/1.484 mẫu lúa bị thiệt hại nặng do chuột phá hoại và úng ngập. Song, theo tìm hiểu của chúng tôi còn một nguyên nhân nữa mà HTX "tránh", không đề cập đến, đó là việc địa phương đã tùy tiện thay đổi cơ cấu giống lúa, không tuân thủ chỉ đạo của UBND huyện. Cụ thể, ngay từ đầu vụ mùa 2013, UBND huyện Ứng Hòa chỉ đạo các địa phương thực hiện cơ cấu giống lúa phù hợp, trong đó chỉ cấy 30-35% giống CLC. Khuyến cáo này là có cơ sở vì khung thời vụ của vụ mùa có thời tiết không thuận lợi, nhiều sâu bệnh, trong khi đó giống lúa CLC thường có năng suất thấp hơn các giống lúa bình thường khác… Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo này, xã Quảng Phú Cầu đã vận động người dân cấy tới 95% giống lúa CLC (?).
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết: Khi cấy lúa CLC, người dân được huyện hỗ trợ hoàn toàn về giống và việc cung ứng giống do HTX lấy trực tiếp từ Công ty Giống cây trồng Hà Tây, Phòng kinh tế huyện không quản lý. Sau khi nắm bắt thông tin một số diện tích lúa CLC ở Quảng Phú Cầu bị thất thu lớn, Phòng Kinh tế đã báo cáo UBND huyện, đề xuất cho kiểm tra việc thực hiện cơ cấu giống và xác định số lượng hộ cấy giống lúa CLC trong vụ mùa này. Ngoài ra, phòng cũng đề nghị UBND huyện xác minh việc vận hành các trạm bơm tiêu nước tại địa phương trong đợt ngập úng do bão số 5, số 6 vừa qua có kịp thời hay không, vì toàn bộ hệ thống trạm bơm, thủy lợi nội đồng đều do xã quản lý, vận hành (?). Sau khi UBND huyện có chỉ đạo về khung thời vụ, cơ cấu giống thì UBND xã có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc… Tuy nhiên, khi PV hỏi về trách nhiệm này, ông Lê Văn Dịu, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu đã "đá" trách nhiệm về phía HTX và cho rằng về sản xuất nông nghiệp, HTX chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Phòng Kinh tế huyện và hoạt động theo Luật Hợp tác xã, UBND xã không chỉ đạo gì…
Vì sao xã Quảng Phú Cầu lại đưa 95% giống lúa CLC vào gieo trồng? Có hay không "lợi ích nhóm" trong việc đưa giống CLC sản xuất đại trà? Đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện Ứng Hòa sớm vào cuộc, xác minh làm rõ, để trả lời thỏa đáng những vấn đề nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.