Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân Sơn Tây tích cực phát triển sản xuất

Ánh Dương| 17/05/2023 06:57

(HNM) - Cần cù chịu khó, tích cực tham gia lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư khoa học, kỹ thuật hiện đại trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, nông dân thị xã Sơn Tây đã góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, từ đó nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống.

Mô hình nuôi ong lấy mật tại xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) cho hiệu quả kinh tế cao.  Ảnh: Lê Thắm

Thực hiện các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau sản xuất tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo bền vững… do các cấp Hội Nông dân phát động, hằng năm, thị xã Sơn Tây có hơn 6.000 hộ hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp: Trung ương, thành phố, thị xã và xã. Điển hình là hộ gia đình ông Nguyễn Thế Kỷ ở thôn Đồng Trạng (xã Cổ Đông) đã có mô hình trang trại chăn nuôi khép kín quy mô lớn, xa khu dân cư, gồm có: 7.000 gà trắng, 2.000 gà ta thả vườn.

Được Hội Nông dân thị xã Sơn Tây, xã Cổ Đông hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, giúp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Thế Kỷ đã đầu tư xây dựng thêm trang trại để chăn nuôi 600 lợn nái, 1,2 vạn con vịt tại xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ). Chất thải trong chăn nuôi được sử dụng làm thức ăn cho cá và phân bón cho cây trồng tại các trang trại của những hộ khác, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

“Trừ mọi chi phí, trang trại chăn nuôi của gia đình tôi cho thu lãi 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình tôi cũng hỗ trợ 30 gia đình vay vốn không lấy lãi để đầu tư phát triển sản xuất, giúp đỡ 30 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn về kiến thức khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất...”, ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Đông Nguyễn Thị Ngọc Linh cho biết, ngoài hộ ông Nguyễn Thế Kỷ, địa phương còn có những tấm gương nông dân sản xuất giỏi, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển mô hình sản xuất hiệu quả, như: Hộ ông Phạm Văn Hóa với mô hình chế biến miến dong, mang lại thu nhập 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động; hộ ông Hà Văn Nhật với mô hình chăn nuôi trang trại, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, tổng thu nhập hơn 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, hỗ trợ hàng chục hộ nghèo về kỹ thuật, vốn phát triển kinh tế… Ông Hà Văn Nhật được Hội Nông dân thị xã Sơn Tây đề nghị công nhận là nông dân Thủ đô xuất sắc năm 2023.

Ngoài ra, thị xã Sơn Tây còn có những hộ nông dân tiêu biểu khác, là: Ông Hoàng Văn Lương ở thôn Tân An (xã Sơn Đông) mở xưởng may công nghiệp, thu nhập 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương; bà Nguyễn Thị Nga, ở tổ dân phố 4 (phường Trung Hưng) với mô hình kinh doanh thực phẩm, mang lại nguồn thu nhập từ 700 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Hữu Thọ (phường Viên Sơn), ông Nguyễn Đức Tường, bà Hạ Thị Chinh (phường Trung Sơn Trầm) đều có mô hình trồng hoa, cây cảnh, cây công trình cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động nông thôn, giúp đỡ nhiều hộ nông dân khác gặp khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất…

Bên cạnh đó, thị xã Sơn Tây cũng triển khai xây dựng, duy trì các mô hình kinh tế và câu lạc bộ phát triển kinh tế, câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, như: Câu lạc bộ Sản xuất, kinh doanh giỏi xã Cổ Đông; Câu lạc bộ Nuôi gà Mía xã Đường Lâm; Câu lạc bộ Nuôi bò sữa phường Xuân Khanh; Câu lạc bộ Sản xuất, kinh doanh giỏi ở các xã Xuân Sơn, Trung Sơn Trầm, Thanh Mỹ; Câu lạc bộ Nuôi ong mật xã Kim Sơn...

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sơn Tây Khuất Văn Sỹ, các hộ hội viên nông dân trên địa bàn thị xã luôn năng động, sáng tạo, nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường, tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã và đang góp phần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của nông dân Sơn Tây, chuyển từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển bền vững…, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Sơn Tây tích cực phát triển sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.