(HNM) - Bất kể mưa hay nắng, từ tờ mờ sáng, trên các trục đường chính hướng về trung tâm Hà Nội như quốc lộ 6, quốc lộ 32, quốc lộ 1, quốc lộ 5… hàng ngàn lao động ở nhiều vùng nông thôn lại xe đạp, xe máy hối hả vào thành phố.
Nông dân ra phố chờ việc ở khu vực Cầu Đen, phố Nhuệ Giang (Hà Đông). |
Làng vắng thanh niên
Chúng tôi tìm về xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ trong một ngày mưa phùn lấm đất, trên cánh đồng các bà, các chị nhộn nhịp cấy lúa xuân cho kịp khung thời vụ. Chị Nguyễn Thị Gái cho biết, ruộng đất ít, lại không có nghề phụ nên cánh thanh niên kéo nhau ra Hà Nội và các tỉnh thành để kiếm việc đông lắm! Giờ mới ra Tết, lại trùng với vụ cấy nên nhiều người còn ở nhà chứ vài ngày nữa cấy xong là làng quê vắng hẳn. Ông Nguyễn Văn Lợi, cán bộ UBND xã cho biết thêm, xã có 5 thôn: Nam Mẫu, Mộ Xá, Tử La, Phú Khang và Tân Thôn với khoảng 1.100 hộ dân thì có tới 300-400 người thường xuyên rời làng đi tha hương kiếm sống. Đặc biệt, thôn Phú Khang có nghề sửa chữa đồng hồ. Lúc cao điểm, có hàng trăm lao động tỏa đi khắp các tỉnh, thành làm nghề.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, diện tích đất nông nghiệp có hạn (cả xã có 248ha đất chuyên lúa), trong khi đó, nhiều khâu cày bừa, tưới tiêu, thu hoạch... đã được cơ giới hóa nên nông dân có nhiều thời gian nông nhàn, họ cần phải tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.
Bài toán thu nhập
Trong số hàng ngàn người ra phố tìm việc làm, không mấy người có chuyên môn để kiếm được việc làm ổn định, có cơ may "đổi đời", rất nhiều người phải chấp nhận cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Đã hơn 50 tuổi nhưng ông Trần Văn Yên, quê ở huyện Ba Vì vẫn ngày ngày cần mẫn làm thợ xây trên phố cổ Hà Nội. Ông cho biết: "Người làm thuê bây giờ cũng đông, công trình thì ít, trung bình mỗi tháng tôi có việc làm khoảng 15 - 20 ngày. So với làm ruộng thì vẫn khá hơn nhưng rất vất vả". Không đi làm thuê nhưng vợ chồng chị Tân quê ở Chương Mỹ cũng nhọc nhằn chẳng kém, hằng ngày, từ tinh mơ đã dậy sắp hàng đi chợ Hà Đông bán gà và rau quả. Mỗi ngày như thế, nếu đông khách thì trừ ngược trừ xuôi, vợ chồng chị kiếm được khoảng 100 đến 150 nghìn đồng. Nhưng những khi vắng khách, ế hàng, vợ chồng chị còn phải ngồi cố đến tận chiều mà vẫn phải bán hòa vốn thậm chí còn lỗ. Cùng ngồi chợ với chị Tân là chị Trịnh Thị Phương, dáng người nhỏ thó. Trước mặt chị là chiếc rổ tre đựng vài mớ rau muống, dăm ba quả dưa chuột và túi lá chè xanh. Chị Phương cho biết: " Một mình em phải lo cho hai con ăn học, đứa lớp 9, đứa lớp 5. Còn chồng em ốm đau suốt". Chị Phương chỉ mong địa phương có thêm nghề phụ cho thu nhập ổn định, hay được trợ giúp để phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp được giao để không phải đi xa nữa.
Là người dành nhiều tâm huyết với nông dân, ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để nông dân không phải nhọc nhằn rời làng ra phố, quan trọng nhất là các địa phương phải tạo được việc làm có thu nhập ổn định cho họ như nhân cấy nghề, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn kiến thức KHKT để thực hiện các mô hình mới, hiệu quả cao hơn… Đây cũng là một trong những mục tiêu mà chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đề ra. Vẫn biết rằng, để tạo được việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, không phải việc một sớm, một chiều, song với sự quan tâm, có kế hoạch của các địa phương và sự nỗ lực của người dân thì chắc chắn sẽ làm được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.