Những ngày cận Tết, người nông dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đang tất bật vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm...
Nhìn chung, giá cả hàng hóa, thực phẩm vụ Tết đều ổn định, mang về cho nông dân nguồn thu nhập đáng kể, bù đắp phần nào thiệt hại bởi bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9-2024 vừa qua. Không khí trên các cánh đồng, trang trại vì thế cũng rộn ràng, phấn khởi hơn rất nhiều.
Nguồn cung dồi dào
Vụ hoa Tết này, huyện Mê Linh trồng khoảng 900ha hoa các loại. Trong đó, hoa hồng trồng tập trung ở các xã: Mê Linh, Văn Khê; hoa cúc tại xã Đại Thịnh; hoa ly tại các xã: Tự Lập, Mê Linh; hoa đào tại các xã: Thanh Lâm, Kim Hoa... Dự kiến, các làng nghề trồng hoa cung cấp cho thị trường khoảng 100 triệu bông hoa các loại, đem lại giá trị kinh tế cho địa phương và nguồn thu nhập cho người dân khoảng 450-700 triệu đồng/ha/năm…
Bà Nguyễn Thị Thúy, chủ trang trại Mê Linh Farm (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) chia sẻ, năm nay, trang trại trồng 80.000 cây lan với 20 giống bằng công nghệ nhân cấy mô. Các giống nổi bật như lan hồ điệp, lan đỏ địa chủ... được chăm sóc kỹ để nở đúng dịp Tết. Đến nay, gần 100% lượng hoa lan đã được khách hàng đặt mua, đáp ứng nhu cầu ngày Tết. Trang trại chia hoa thành các vườn khác nhau cho phù hợp thời điểm nở hoa, đa dạng sắc màu...
Tương tự, tại xã Chu Minh (huyện Ba Vì), những ngày này, không khí lao động trên các cánh đồng rau cũng sôi động hơn bao giờ hết. Giám đốc Hợp tác xã Chu Quyến (xã Chu Minh) Nguyễn Trung Dậu cho biết, trên diện tích 60ha trồng rau, hợp tác xã đang cung cấp lượng lớn rau cho thị trường dịp Tết. Các loại rau chủ lực bao gồm cải xanh, cải ngọt, su hào, bắp cải, cà rốt, rau gia vị. Những loại rau này được chăm sóc tỉ mỉ để đạt năng suất và chất lượng tốt nhất. Dự kiến, năng suất rau trung bình đạt 190 tạ/ha, cho thu nhập khoảng 163 triệu đồng/ha/lần thu hoạch...
Không riêng người trồng rau, hoa, cây cảnh, những ngày này, ở các trang trại chăn nuôi lợn, gà..., người chăn nuôi cũng hối hả hơn bao giờ hết. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết, để bảo đảm thị trường trong và sau Tết, hợp tác xã duy trì đàn lợn 4.000-5.000 con, trong đó có khoảng 10% là lợn nái; còn lại là lợn thương phẩm. Hiện, công nhân của hợp tác xã lao động hết công suất, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn để bảo đảm giao đủ đơn hàng. Nhìn chung, sức tiêu thụ thịt lợn ổn định; giá cả tăng nhẹ...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường Tết, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương triển khai mạnh biện pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau bão số 3. Theo đó, diện tích gieo trồng cây vụ đông ước đạt 33.000ha, tăng 4.000ha so cùng kỳ năm trước. Đối với chăn nuôi nội tại của Hà Nội (gà, lợn, trứng gia cầm…), hiện cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Với sản phẩm thịt bò, vì chưa bảo đảm nguồn cung, Hà Nội chủ động ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu nông sản thực phẩm an toàn cho người dân Hà Nội, không để thiếu hụt thực phẩm trong dịp Tết. Hiện nông dân đang tập trung thu hoạch nông sản để phục vụ thị trường Tết được đầy đủ, đa dạng...
Giá nông phẩm tăng nhẹ
Có thể khẳng định, năm nay, nguồn cung nông sản thực phẩm không thiếu song giá thành có chiều hướng tăng nhẹ. Theo bà Phùng Thị Hồng Liên (xã Trung Châu, huyện Đan Phượng), do thiệt hại một nửa diện tích trồng chuối sau bão, năm nay, gia đình bà có khoảng 200 buồng chuối xuất bán phục vụ Tết Nguyên đán. Tuy mẫu mã không đẹp bằng mọi năm nhưng năm nay nguồn cung khan hiếm do mất mùa nên chuối được giá, tăng 15-30% so với cùng kỳ các năm trước...
Còn ông Nguyễn Văn Lâm - chủ trang trại chăn nuôi xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho hay, hiện giá lợn hơi đạt khoảng 69.000-70.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với mọi năm; giá bán và nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, gà thời điểm cận Tết Nguyên đán cũng tăng. Đây là thời điểm tốt để các trang trại, hộ chăn nuôi tăng thu nhập, thêm động lực tái sản xuất...
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong mọi tình huống, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, trong và sau Tết Nguyên đán, thời tiết diễn biến thất thường khiến dịch bệnh phát triển, người dân cần thận trọng, tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đối với chăn nuôi, khi phát hiện dịch bệnh, phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, không để lan ra diện rộng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, có chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ. Đối với cây trồng, các địa phương cần hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch vụ đông phục vụ thị trường trong và sau Tết Nguyên đán; đồng thời kịp thời gieo trồng vụ kế tiếp...
Về hoạt động mua - bán tại các chợ đầu mối lớn của Hà Nội cũng đang rất sôi động. Mỗi ngày, hàng trăm tấn nông sản, thực phẩm, thủy hải sản… từ các tỉnh, thành phố được vận chuyển về Thủ đô tiêu thụ. Theo dự báo, nếu không có bất thường lớn về thời tiết, nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân Hà Nội vào dịp Tết Ất Tỵ dồi dào và ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.