Nông nghiệp - Nông thôn

Nông dân Hà Nội trải nghiệm công nghệ 4.0 trên đồng ruộng

Bạch Thanh 22/06/2023 - 16:34

Việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao, nhưng để đưa nội dung này vào cuộc sống, nhân rộng ra nhiều địa phương của Hà Nội, đa số nông dân đều quan tâm tới giá thành đầu tư và chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ngày 22-6, tại xã Chuyên Mỹ, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên và Công ty cổ phần Đại Thành tổ chức hội thảo ứng dụng 4.0 trong sản xuất nông nghiệp và trình diễn máy cấy không người lái, thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân trong sản xuất lúa.

nongnghiephn.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo, nông dân được trải nghiệm thực tế hoạt động ứng dụng công nghệ 4.0 trên đồng ruộng với các thiết bị hỗ trợ sản xuất hiệu quả như máy bay nông nghiệp thực hiện phun thuốc, bón phân, gieo sạ một cách đơn giản và tiết kiệm.

Cùng với đó là trải nghiệm máy bay viễn thám, trạm giám sát thời tiết… giúp khảo sát, lập bản đồ, ứng dụng trong trắc địa cùng nhiều ứng dụng khác, qua đó hỗ trợ phát triển mô hình nông nghiệp thông minh toàn diện, nắm rõ tình hình sâu bệnh, yếu tố thời tiết, đất đai, nước tưới tiêu, giúp nông dân lên kế hoạch chăm sóc và bảo vệ cây trồng tốt nhất.

Sau khi tham quan thực tế trình diễn máy cấy, máy bay không người lái phục vụ sản xuất vụ mùa tại thôn Đồng Vinh (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên), đông đảo nông dân, cán bộ hợp tác xã, lãnh đạo các địa phương… đều khẳng định, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất rất tốt nhưng chi phí ban đầu cho đầu tư máy móc, công nghệ đòi hỏi nguồn vốn lớn nên rất cần thành phố có chính sách hỗ trợ kịp thời, trúng, đúng để mô hình sớm đi vào thực tiễn và lan tỏa...

nn-4.03.jpg
Các đại biểu tham quan mô hình trình diễn công nghệ 4.0 trên đồng ruộng tại thôn Đồng Vinh, xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, huyện đang đứng đầu thành phố về diện tích mạ khay, cấy máy, đạt khoảng 1.600ha mỗi vụ, nhiều địa phương đạt trên 90%... Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cấy máy, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa còn nhiều khó khăn. Do vậy, với việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp và trình diễn máy cấy, thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân trong sản xuất lúa mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp địa phương.

Để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ 4.0, các cánh đồng mẫu lớn cần được hình thành, không còn bờ vùng, bờ thửa; để phân định mốc giới giữa các hộ mà sản xuất, bờ thửa sẽ được số hóa bằng công nghệ, nông dân sẽ biết bờ thửa của mình trên điện thoại thông minh. Các địa phương cần đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu, đồng hành tham gia mô hình đạt hiệu quả cao nhất.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương cho hay, Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn, mỗi năm sản xuất 150.000ha lúa. Trong khi đó, lao động cho nông nghiệp ngày càng khó khăn do chuyển dịch lao động sang làng nghề, dịch vụ... dẫn tới diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ngày một gia tăng. Việc chuyên biệt hóa lao động trong nông nghiệp, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng cơ giới đồng bộ, áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất là yêu cầu tất yếu của nông nghiệp Thủ đô.

Đặc biệt, Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ việc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP… khi áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, quản lý nhật ký đồng ruộng, thực hiện các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng mã vùng trồng… rất thuận lợi. Từ thực tiễn sản xuất, tới đây, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu thành phố xây dựng các chương trình hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Hà Nội trải nghiệm công nghệ 4.0 trên đồng ruộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.