Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân đào được củ khoai vạc nặng 110 kg

Theo vnexpress| 05/03/2018 16:09

Ba nông dân ở Hà Tĩnh phải đào một tiếng mới đưa được củ khoai vạc nặng 110 kg lên khỏi mặt đất.


Anh Nguyễn Văn Đường (trú xã Sơn Thủy, Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, hai hôm trước anh vào rẫy ở thôn Minh Thủy để bới một gốc khoai vạc (còn gọi khoai mỡ). Củ trồi lên mặt đất, nhưng khi đào sâu một mét vẫn chưa hết thân.

Củ khoai vạc nặng 110kg do anh Đường đào được ngày 3-3. Ảnh: Đ.H


Anh Đường nhờ hai người trong xóm hỗ trợ, mỗi người đào một góc, tránh không để gãy nhánh. Một tiếng sau, ba người mới khiêng được củ khoai khỏi hố sâu một mét lên mặt đất, dùng xe đẩy đưa về nhà, cân được 110 kg.

Theo anh Đường, bụi khoai vạc do vợ mua giống ở nhà người quen, trồng một năm trước. "Tôi từng thấy củ khoai vạc nặng vài chục kg, song nặng hơn 100kg thì đây là lần đầu", anh Đường cho hay.

Sau khi đưa khoai vạc về nhà, rất đông người dân kéo đến xem, chụp ảnh. "Nếu các nhà khoa học muốn lấy củ khoai vạc để bảo tồn giống hay nghiên cứu thì tôi sẵn sàng tặng. Nếu không, tôi sẽ nấu chè đãi cả xóm", anh Đường nói.

Khoai vạc (còn gọi là khoai mỡ, khoai tím, củ cái, củ mỡ, củ cầm, củ đỏ, củ tía...) có tên khoa học Dioscorea alata, họ củ nâu, được trồng khắp vùng nông thôn để lấy củ ăn. Có hai loại khoai vạc: ruột trắng và ruột tím. Loại ruột trắng có giống Mộng Linh, củ chùm, nặng 4-5 kg/củ, năng suất cao.

Loại ruột tím lại chia ra giống tím than và tím bông lau, củ suôn dài, nhỏ hơn loại ruột trắng nhưng ăn ngon, khi chế biến thành món ăn màu sắc cũng đẹp hơn nên được thị trường ưa chuộng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân đào được củ khoai vạc nặng 110 kg

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.