Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Nóng'' cuộc đua tranh ảnh hưởng ở Bắc cực

Quỳnh Dương| 18/03/2022 06:29

(HNM) - Sau một thời gian tạm lắng, “cuộc đua” giành ảnh hưởng tại Bắc cực lại được “hâm nóng” bằng những động thái mới đây của Canada. Ngoài việc lên kế hoạch cho chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand tới khu vực này, Ottawa còn thúc giục đồng minh xúc tiến các hành động tập thể nhằm tăng cường an ninh tại Bắc cực.

Cuộc tập trận Noble Defender do Mỹ và Canada tổ chức tại Bắc cực.

Ngày 17-3, Canada và Mỹ thông báo đã hoàn thành cuộc tập trận chung có tên Noble Defender (Người bảo vệ cao quý) tại Bắc cực nhằm kiểm tra phản ứng của các đơn vị máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình.

Ngoài ra, lực lượng vũ trang Canada trên tàu hộ vệ HMCS Brandon cũng đang huấn luyện với lực lượng tuần duyên và hải quân Mỹ, một phần trong cuộc tập trận Arctic Edge ở ngoài khơi Alaska. Động thái này diễn ra vào lúc Bộ Quốc phòng Canada chuẩn bị đưa ra kế hoạch chi tiêu để hiện đại hóa Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD).

Ottawa đã cam kết hợp tác với Washington về việc thay thế hệ thống cảnh báo phương Bắc bằng công nghệ bao gồm các hệ thống ra đa thế hệ mới có thể phát hiện mục tiêu ở tầm xa. Canada cũng đang mua thiết bị quân sự mới, bao gồm 2 tàu phá băng và dự kiến sẽ quyết định ký hợp đồng mua 88 máy bay chiến đấu trong năm nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand cũng cho biết, bà đang có các cuộc thảo luận với người đồng cấp các nước như: Thụy Ðiển, Phần Lan, Na Uy và Ðan Mạch, đồng thời đề cao tầm quan trọng hành động tập thể của các đồng minh liên quan đến chủ quyền Bắc cực.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ Bắc cực ngày càng được chú ý hơn bởi tiềm năng kinh tế to lớn đang dần hiện hữu. Khu vực này là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá dồi dào, như: Dầu lửa, khí đốt, hải sản, nguồn nước ngọt…

Trên khía cạnh công nghiệp, vận tải, viễn thông hay nghiên cứu không gian, Bắc cực có nhiều lợi thế khi nằm ở ngay trung tâm bán cầu Bắc, giữa khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á. Hiện tượng băng tan mạnh do khí hậu trái đất ấm lên đã giúp việc tiếp cận các mỏ khí đốt nằm dưới đáy đại dương được dễ dàng hơn. Tuyến đường hàng hải được hình thành có thể trở thành huyết mạch quan trọng trong trao đổi thương mại thế giới. Đó là những yếu tố làm “tăng nhiệt” cuộc đua tranh đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ.

Hiện tại, có 8 nước thành viên thuộc Hội đồng Bắc cực sở hữu phần lãnh thổ ở vùng cực Bắc địa cầu. Nhưng đến nay chỉ có 6 nước trong số này được hưởng quy chế duyên hải Bắc cực, đó là: Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Iceland. Hai nước khác có lãnh thổ ở vùng cực này, nhưng không có duyên hải Bắc cực là Thụy Điển và Phần Lan. Gần đây, nhiều nước nằm xa Bắc cực như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng quan tâm đến vùng đất băng giá này. Trung Quốc và Hàn Quốc đi đầu trong triển khai các trương trình nghiên cứu khoa học về Bắc cực, đồng thời tham gia vào dự án khai thác khí hóa lỏng của Nga ở đây.

Trong số các quốc gia thành viên Hội đồng Bắc cực, Nga là quốc gia sở hữu diện tích lớn nhất (53%). Vì thế, đối với Mátxcơva, đây là một khu vực chiến lược, có giá trị thiết yếu cả về địa chính trị và phát triển kinh tế. Mô hình phát triển kinh tế Nga lập kế hoạch triển khai ở Bắc cực dựa trên hai trụ cột phụ thuộc lẫn nhau gồm tuyến đường hàng hải phía Bắc và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có đến 30 triệu tấn nguyên liệu thô của Nga được vận chuyển theo tuyến đường biển phía Bắc. Ngoài ra, Nga cũng đang đặt kỳ vọng vào việc khai thác trữ lượng dầu mỏ, ước tính khoảng 6 tỷ tấn; các mỏ than đá có thể cung cấp tới 10 triệu tấn mỗi năm.

Với tốc độ của “cuộc đua” tranh giành ảnh hưởng của nhiều cường quốc đang diễn ra, nhiều ý kiến nhận định rằng, Bắc cực sẽ trở thành điểm nóng mới trên bàn cờ thế giới trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Nóng'' cuộc đua tranh ảnh hưởng ở Bắc cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.