California sẽ cùng Chính phủ Mỹ và 11 bang khác tiến hành khởi kiện Google với cáo buộc độc quyền và thao túng thị trường.
Ngày 12-12, Tổng chưởng lý bang, ông Xavier Becerra tuyên bố sự thống trị thị trường của Google khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ không có nhiều lựa chọn khi sử dụng các công cụ tìm kiếm trên Internet. Bằng cách sử dụng các thỏa thuận để thống lĩnh thị trường, Google đã kìm hãm sự cạnh tranh và thao túng thị trường quảng cáo.
Trước đó, tháng 10 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã chính thức khởi kiện tập đoàn công nghệ Google trong một vụ kiện chống độc quyền được xem là lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Theo cáo trạng của tòa, có 11 bang tại nước Mỹ (gồm: Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas) tham gia vụ kiện này.
Theo báo The Wall Street Journal và The New York Times, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google - đặt trụ sở tại bang California - hành xử độc quyền bất hợp pháp nhằm bảo vệ vị trí độc tôn của mình trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trên mạng Internet. Các báo trên cũng cho biết, Google bị cáo buộc vi phạm pháp luật khi sử dụng quyền lực thị trường để làm chệch hướng các đối thủ, cụ thể là vi phạm pháp luật trong cách đối xử với các đối thủ trong hoạt động kinh doanh quảng cáo cũng như công cụ tìm kiếm trên mạng Internet, tìm cách gây bất lợi cho đối thủ để công cụ tìm kiếm của mình ở thế thượng phong và sử dụng quyền lực thị trường để bán thêm nhiều quảng cáo.
Trong nhiều tháng trước đó, các cơ quan chức năng Mỹ đã tiến hành điều tra chống độc quyền ở cấp bang và liên bang nhằm đánh giá sức mạnh của "đại gia" công nghệ này. Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng đồng thời tiến hành các cuộc điều tra tương tự với hoạt động của các tập đoàn lớn khác như Amazon, Facebook và Apple. Vụ kiện được cho là có thể kéo dài nhiều năm và hiện chưa rõ Chính phủ Mỹ sẽ tìm kiếm giải pháp nào cho vụ kiện này. Tuy nhiên, vụ kiện có thể buộc Google thay đổi phương thức kinh doanh hoặc phá vỡ các phân khúc thị trường của "đế chế" này.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9-12, các cơ quan chống độc quyền của liên bang và các bang tại Mỹ đã khởi kiện Facebook với cáo buộc mạng xã hội này lạm dụng ưu thế để giữ độc quyền, đồng thời tìm cách đảo ngược các thỏa thuận của Facebook thu mua các ứng dụng tin nhắn Instagram và WhatsApp. Hai ứng dụng đang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong mô hình kinh doanh của Facebook và được tích hợp vào công nghệ của hãng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.