(HNM) - Dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhưng hàng hóa tại Hà Nội ngày càng phong phú. Tuy vậy, đi cùng với đó là tình trạng các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái được nhập về các cửa hàng một cách dồn dập. "Đến hẹn lại lên", câu chuyện chống hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm vẫn chưa bao giờ hết "nóng".
Các "thiên đường" hàng giả, hàng nhái
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại khu vực tầng 1 và tầng 2 của chợ Việt Hưng (đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên) vào một ngày đầu tháng 11, các ki ốt ở đây bày bán la liệt các sản phẩm như quần áo, giày dép, son, nước hoa... Đa số đều được dán nhãn của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới nhưng lại có... giá rẻ bất ngờ.
Chủ một ki ốt tên Nguyễn Thị Thúy chuyên bán túi xách gắn logo của những thương hiệu như Adidas, Nike, Gucci, Chanel… cho biết, hầu hết những sản phẩm đang được bán tại đây đều có giá từ 150.000 đến 400.000 đồng. Khi được hỏi về xuất xứ của hàng hóa thì chủ tiệm trả lời đây đều là mối nhập quen từ Quảng Châu (Trung Quốc). “Có nhiều mẫu mã để khách hàng lựa chọn. Khách muốn lấy loại nào, số lượng bao nhiêu cũng đáp ứng đủ”, chị Thúy cho biết thêm.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực chợ sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm), nơi được mệnh danh là “thiên đường” thời trang giá rẻ cho học sinh, sinh viên. Còn tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) cũng có hàng chục cửa hàng bán quần áo mang nhãn mác nổi tiếng như Louis Vuitton, Hermes, Burberry… với giá 100.000-500.000 đồng/chiếc.
Xứ sở của túi xách, giày dép hàng hiệu giá từ 500.000 đến 2 triệu đồng cũng khá phong phú tại các quầy ở tầng 1 chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng). Còn nhắc đến quần áo, mỹ phẩm với các thương hiệu nổi tiếng như Lancôme, Chanel, Dio, Guardian, hay nước hoa GiorgioArmani, Hermes…, các thượng đế chỉ cần dừng xe tại cổng chợ Xanh (quận Cầu Giấy) hoặc tại tầng 1 chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), với vài chục nghìn đồng là sở hữu ngay sản phẩm yêu thích.
Không chỉ ở các chợ, cửa hàng, các “chợ" trên mạng cũng ngập tràn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều đáng buồn là ngay cả hàng hóa thương hiệu Việt Nam cũng bị làm giả, làm nhái một cách trắng trợn. Đơn cử, thương hiệu bột giặt OMO được nhái thành bột giặt OMON, trà xanh C2 nhái thành trà xanh E2... với màu sắc, bao bì giống hệt sản phẩm chính hãng nhưng có giá mềm hơn. Hoặc các loại bim bim Oishi bị làm nhái với tên Oshi, kẹo chanh muối Alpenliebe được nhái y hệt mẫu mã nhưng chất lượng bên trong hoàn toàn khác... Điều đáng nói những sản phẩm làm giả nhưng có bao bì như hàng thật, rất khó phát hiện.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vận chuyển, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ... trên thị trường. Chỉ tính riêng tháng 10-2022, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 934 vụ buôn lậu và hàng giả và đã xử lý 822 vụ; xử phạt hành chính 8,62 tỷ đồng. Trong đó, liên quan đến lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Cục đã phát hiện, kiểm tra xử lý 109 vụ việc, xử phạt trên 1,4 tỷ đồng.
Trước các hành vi vi phạm một cách tinh vi của các đối tượng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2022, dịp Tết Dương lịch; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên đã yêu cầu các đơn vị kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm chất lượng. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng đồ chơi, quần áo thời trang may sẵn, vải; thực phẩm bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát nhập lậu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,...
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng tại địa bàn các quận, huyện: Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên,... và trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, phía Nam ra Hà Nội tiêu thụ và ngược lại. Đặc biệt, các đơn vị phải tập trung kiểm tra hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng Việt Nam, như các nhóm hàng: Quần áo thời trang, mỹ phẩm... Ngoài ra, để đấu tranh chống lại hàng giả, vừa qua, Công an thành phố Hà Nội cũng mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Tại các địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố cũng có kế hoạch phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 ở địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các địa phương sẽ kiên quyết xử lý triệt để vi phạm trong những ngày tới; đồng thời xác định rõ các trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý và tổ chức đấu tranh ngăn chặn, không để xảy ra các điểm nóng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.