(HNM) - Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển hàng lậu quy mô lớn.
Sáng 2-11, tại khu vực chân cầu Thanh Trì (thuộc địa bàn huyện Thanh Trì), lực lượng của Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Đống Đa phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Chi cục QLTT TP Hà Nội mật phục, phát hiện ô tô tải BKS 14C - 082.90 do Nguyễn Văn Hải (SN 1984, trú tại Uông Bí, Quảng Ninh) điều khiển đang vận chuyển thủy sản, sụn chân gà đông lạnh có nguồn gốc từ Trung Quốc về Hà Nội tiêu thụ.
Nếu không có sự phát hiện kịp thời của lực lượng chức năng, có lẽ gần 4 tấn thủy sản, sụn chân gà đông lạnh đã được tiêu thụ trót lọt trên thị trường thành phố. Cũng trong ngày 2-11, lực lượng QLTT và CA Trạm cảnh sát ga Hà Nội đã phát hiện 21 kiện hàng hóa, trọng lượng hơn 1 tấn chứa quần áo các loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Không chỉ trên đường bộ, đường sắt, tình hình tội phạm, vi phạm buôn lậu, nhập lậu hàng hóa vào Hà Nội còn ngày càng nóng bỏng trên tuyến đường hàng không. Các đối tượng chuyển hàng hóa lậu qua đường chuyển phát nhanh, thậm chí giấu trong hành lý nhiều loại hàng cấm như ma túy, chất tiền ma túy, dược phẩm, ngà voi, kim cương, sừng tê giác, đồ điện tử cao cấp. Điển hình là ngày 1-11, Hải quan Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phát hiện 7kg sừng tê giác được vận chuyển lậu trên chuyến bay QR828 từ Băng Cốc (Thái Lan) về Hà Nội…
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hàng nhập lậu. Ảnh: Trần Việt |
Trước tình hình này, Ban Giám đốc CATP Hà Nội cho biết đã và đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng khác nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan. Cụ thể, CATP đã ký quy chế phối hợp với Cục Hải quan thành phố về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, hai cơ quan đã và đang có nhiều hình thức trao đổi thông tin, tài liệu, phối hợp xây dựng các văn bản chung để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Khi có vấn đề, tình hình liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hải quan, công tác bảo đảm ANCT, TTATXH cần có sự phối hợp chung thì hai lực lượng sẽ cùng bàn bạc, tham mưu đề xuất cho chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan biện pháp giải quyết. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát hiện các hành vi vi phạm, hai bên sẽ hợp tác bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để xử lý.
Ngoài ra, CATP đã ký kết quy chế phối hợp với Sở Công thương trong đấu tranh phòng chống hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là thực phẩm. Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP cho biết, CATP đã chủ động đề nghị Sở Công thương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với CATP, đồng thời yêu cầu sự vào cuộc tích cực của cơ quan y tế để tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn các mặt hàng thủy sản, nội tạng động vật, phụ gia trong sản xuất bánh kẹo nhập lậu hoặc có chất lượng không bảo đảm. Tuy nhiên theo cơ quan CA, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, đủ sức răn đe.
Trên thực tế, nhiều chính sách pháp luật đang bị kẻ xấu lợi dụng để buôn lậu như, chế độ miễn thuế khi nhập cảnh, chính sách phân luồng hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu, hoặc những chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế... Trong khi lực lượng phòng, chống tội phạm, vi phạm còn mỏng thì chỉ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mới đem lại hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.