(HNM) - Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là ngày hội lớn, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt. Các nhà nghiên cứu Việt Nam cùng kiều bào tham dự các hoạt động của Đại lễ, ở mỗi cung bậc tình cảm khác nhau đều thể hiện sâu sắc một tình yêu Hà Nội.
Giáo sư Furuta Motoo, Giảng viên Đại học Tokyo Nhật Bản:
Hà Nội thay đổi đến "chóng mặt"
Tôi đến Hà Nội lần đầu năm 1974, khi Hội Hữu nghị Nhật - Việt tổ chức đoàn du lịch đầu tiên sang thăm Việt Nam. Từ đó đến nay tôi đã nhiều lần trở lại Hà Nội. Từ đó đến nay Hà Nội đã thay đổi thật "chóng mặt". Là người nước ngoài từng gắn bó với Hà Nội nhiều năm như vậy, tôi rất vui mừng khi được chứng kiến sự phát triển của Hà Nội, đặc biệt không khí náo nức đón chào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Báo chí Nhật Bản cũng đăng tải nhiều thông tin về sự kiện trọng đại này của Hà Nội. Với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tôi thực sự khâm phục tinh thần đấu tranh anh dũng, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến trước đây cũng như trong sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay.
TS Alexei B.Polyako, Viện Á - Phi, Đại học Moskva Liên bang Nga:
Hà Nội có sức hấp dẫn đặc biệt
Tôi từng là cán bộ của Viện Á - Phi, nhưng nay đang làm việc cho Công ty liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro) tại Vũng Tàu. Lần đầu tiên tôi sang Hà Nội năm 1969 để học tiếng Việt tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mặc dù đã trở lại Hà Nội nhiều lần từ đó đến nay nhưng tôi rất ngạc nhiên trước sự thay đổi của Hà Nội. Đặc biệt sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội phát triển rất nhanh với nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên. Trong những ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô của các bạn rất đẹp. Tôi nghĩ rằng, chính quyền và nhân dân thành phố đã phải cố gắng rất nhiều để có được thành quả như ngày hôm nay. Tôi may mắn khi được nghiên cứu lịch sử Việt Nam, với nhiều điều thú vị mà không có ở những nước khác. Song điều khiến tôi ấn tượng nhất về Hà Nội, đó là mặc dù phát triển rất nhanh nhưng Hà Nội vẫn giữ được những giá trị truyền thống về lịch sử, văn hóa... Hà Nội có sức hấp dẫn đặc biệt với người nước ngoài, vì thế các bạn cần tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống đó.
Lâm Thị Thu, Việt kiều Mỹ:
Về nước, được về với mái ấm gia đình
Tôi thực sự hãnh diện và tự hào khi được về nước, tham gia đoàn kiều bào tiêu biểu dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Xa quê, sống ở Mỹ 14 năm, ở Hồng Kông 9 năm và ở Pháp 13 năm nhưng không nơi nào tôi cảm thấy thân quen. Bởi vậy, mỗi lần về nước, tôi có cảm xúc được trở về với mái ấm gia đình. Cách tổ chức chu đáo cho đoàn kiều bào càng khiến chúng tôi xúc động. Năm nay cũng gần 60 tuổi rồi, xa quê lâu rồi, tôi dự định sẽ về nước sống và chết ở quê hương mình.
Lê Trọng Văn, Việt kiều Mỹ:
Đại lễ được tổ chức là rất đúng và trúng
Tôi năm nay đã 79 tuổi, xa quê 36 năm rồi. Hiện tôi đang định cư ở bang California, Mỹ. Hằng ngày, tôi dậy từ 3, 4 giờ sáng, mở mạng internet đọc tin tức trong nước, đọc báo Mỹ đưa tin về Việt Nam, với mỗi bài báo hay, thông tin hữu ích, tôi đều lưu giữ lại làm tài liệu riêng cho mình. Nhờ có vậy, đến nay, tôi đã xuất bản 15 cuốn sách bằng tiếng Việt ở Mỹ. Trước hết, phải nói với các bạn rằng, việc xuất bản được sách ở Mỹ là rất khó vì bọn phản động hay chống phá, tìm cách ngăn cản, nhưng tôi đã thành công và có nhiều cuốn bán rất chạy. Nhờ đó, bà con mình có thêm những thông tin thực tế về tình hình ở quê hương, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc. Gần đây nhất, tôi viết những bài báo: "Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Bác Hồ đời đời", "Hà Nội trong trái tim tôi" được nhiều người ủng hộ. Đó là niềm vui lớn đối với tôi. Tham dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi là đại biểu kiều bào tiêu biểu có mặt trên lễ đài. Vinh dự ấy đối với tôi quá lớn. Tôi nghĩ, Đảng và Nhà nước mình tổ chức Đại lễ như vậy là rất đúng và trúng, qua đó nhắc nhở nhiều về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc đối với các thế hệ người Việt Nam mình.
Nguyễn Lan Phương, kiều bào từ Angola:
Ngỡ ngàng về đổi thay ở quê hương, đất nước mình
Cộng đồng người Việt Nam tại quốc gia châu Phi này có khoảng 6 đến 7 nghìn người và họ có nhiều đóng góp cho quê hương, nhiều người trong đó cũng rất thành đạt tại đất nước sở tại. Từ Angola về Việt Nam chúng tôi phải bay mất 2 đến 3 chặng, mệt mỏi do thay đổi múi giờ, nhưng với tôi, cả chặng bay ấy như càng khỏe ra. Lần đầu tiên có mặt trong đoàn kiều bào tiêu biểu, tham dự lễ diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình, không phải ai cũng có được cơ hội ấy.
Từ hôm về nước đến nay, được đi tham quan nhiều di tích, thắng cảnh của đất nước như Đền Đô (Bắc Ninh), Vịnh Hạ Long, Cố đô Hoa Lư Ninh Bình… đặc biệt, tham quan Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng về đổi thay ở quê hương, đất nước mình. Việt Nam mình có một bề dày văn hóa mà không phải dân tộc nào cũng có được. Hơn nữa, Thủ đô Hà Nội dạo này đẹp quá, phát triển mạnh mẽ với những tòa nhà cao tầng, đường phố rộng mở nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của những khu phố cổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.