Theo dõi Báo Hànộimới trên

Non nước chùa Thầy

Mai Ngọc| 25/02/2023 06:24

(HNM) - “Nhớ ngày mùng bảy tháng Ba/Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy”. Dù thời gian diễn ra lễ hội chùa Thầy (ngày 7 tháng Ba âm lịch) vẫn còn khá xa, thế nhưng mỗi dịp Tết đến, xuân về, du khách trong và ngoài nước lại nô nức đến lễ Phật, vãn cảnh chùa Thầy. Khi đặt chân tới chùa Thầy - nơi lưu dấu tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, nơi Bác Hồ nhiều lần đến thăm và làm việc, địa chỉ đỏ cách mạng…, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, non nước hữu tình, chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo của các công trình cổ kính trong di tích.

Thủy đình - một trong những công trình có kiến trúc độc đáo tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai).

Ngôi chùa cổ kính Xứ Đoài

Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách (huyện Quốc Oai) đã được xếp hạng tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Chùa Thầy (tức chùa Cả) có tên chữ là Thiên Phúc Tự. Theo các tài liệu ghi lại, ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ (gọi là Hương Hải am), xây dựng từ trước thời Lý. Đến khi Lý Nhân Tông (1072-1127) lên ngôi Vua đã cho xây dựng lại. Quần thể di tích và danh thắng chùa Thầy nổi tiếng với nhiều điểm tham quan, nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất nằm ở 3 tòa của chùa Thầy với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII. Chùa Thầy là nơi gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có những đóng góp to lớn cho nhân dân, là ông tổ của bộ môn múa rối nước. Ông đã tu hành ở đây rồi hóa thánh tại một hang đá trên núi Thầy có tên gọi là hang Thánh Hóa.

Nói về chùa Thầy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Nam cho biết: Chùa Thầy được xây dựng cách đây hơn 1000 năm. Trải qua 7 lần trùng tu lớn, đến nay chùa Thầy vẫn giữ được không gian cổ kính và kiến trúc độc đáo ở Xứ Đoài. Không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước, chùa Thầy còn là địa chỉ đỏ cách mạng của cả nước. Đây cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây (cũ), cũng là địa danh được nhiều lần đón Bác Hồ về ở và làm việc trước khi Người lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cùng theo ông Nguyễn Đức Nam, lễ hội truyền thống chùa Thầy được tổ chức từ ngày mùng 5 tới mùng 8 tháng Ba (âm lịch) hằng năm, ngày hội chính là ngày mùng 7 tháng Ba, gồm hai phần lễ và hội. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân và du khách sẽ được tham gia rất nhiều trò chơi, đặc biệt là thưởng thức nghệ thuật múa rối nước Việt Nam biểu diễn ở Thủy đình hồ Long Trì (trước sân chùa Thầy). Sự hấp dẫn của lễ hội chùa Thầy còn là cuộc du ngoạn của du khách khi lên thăm quần thể chùa, hang, động rất đẹp gắn với nhiều huyền tích về Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Đến chùa Thầy lễ Phật, vãn cảnh, du khách rất mãn nhãn với cảnh vật nơi đây. Bà Bùi Thị Thuận, phường Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết: “Năm nào tôi và gia đình cũng về vãn cảnh chùa Thầy. Ấn tượng nhất ở khu di tích này là các ngôi chùa, công trình trong khu di tích đều cổ kính, trang nghiêm, được bao bọc bởi núi, cây xanh tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Về vãn cảnh chùa, cầu sức khỏe, bình an, tôi cảm thấy rất thanh thản, bởi chùa Thầy không xô bồ, ồn ã như một số khu di tích tâm linh khác”.

Còn chị Nguyễn Thị Ngân, người con xã Sài Sơn bày tỏ: “Tuổi thơ của tôi gắn với Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy. Năm nào cũng vậy, vào mùa lễ hội, du khách đến với chùa Thầy rất đông. Mong rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm tu bổ, tôn tạo để chùa Thầy mãi trường tồn với thời gian”.

Để trở thành điểm du lịch lý tưởng

Nhằm phát huy giá trị di sản, lịch sử, văn hóa của Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, huyện Quốc Oai định hướng xây dựng chùa Thầy trở thành điểm đến văn hóa, tâm linh quanh năm chứ không riêng gì mùa lễ hội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực để chùa Thầy luôn đẹp, ấn tượng trong lòng du khách, song vẫn còn những hạt sạn làm ảnh hưởng đến di tích như: Tình trạng người dân bán hàng lấn chiếm không gian di tích, chèo kéo khách vẫn còn xảy ra; hệ thống chiếu sáng trong khuôn viên di tích còn chưa đáp ứng; việc đi lại của du khách khi đến tham quan chùa Thầy chưa được thuận lợi; một số công trình, hạng mục trong khu di tích đang xuống cấp; các chỉ dẫn, giới thiệu cho du khách về các hiện vật, địa điểm, giá trị lịch sử của các di tích còn thiếu thông tin…

Do đó, để thực hiện định hướng của huyện, đồng thời bảo đảm cho mùa lễ hội năm 2023 và những năm tiếp theo diễn ra an toàn, văn minh, thuận lợi, thu hút được đông đảo khách du lịch đến tham quan, vãn cảnh chùa Thầy, huyện Quốc Oai đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội chùa Thầy năm 2023. Kế hoạch nhằm bảo lưu các giá trị lịch sử, lễ hội truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị nơi thờ tự, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống, từng bước khai thác những tiềm năng và giá trị văn hóa nghệ thuật của Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy theo hướng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Nam cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND huyện, đến nay, công tác cải tạo cảnh quan khu vực di tích, xử lý việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, lều, bạt tại khu vực xung quanh hồ Long Trì và trên núi Thầy đang được triển khai đồng bộ. Huyện đã tổ chức khảo sát một số hạng mục, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng chưa được tu sửa, tôn tạo để triển khai trong thời gian sớm nhất. Huyện chỉ đạo các phòng chức năng và đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát để báo cáo UBND huyện về việc lắp đặt hệ thống camera an ninh, đèn chiếu sáng và hệ thống loa truyền thanh tại khu vực chùa Thầy; khảo sát, thống nhất phương án thanh thải hệ thống cột điện và đường dây đi nổi quanh khu vực chùa Thầy…

Đặc biệt, để bảo đảm cảnh quan, môi trường sạch đẹp mùa lễ hội, huyện Quốc Oai chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với UBND xã Sài Sơn tuyên truyền, vận động các hộ bán hàng bên phía chân núi tháo dỡ toàn bộ lều, bạt. Các hộ kinh doanh trong khu vực sẽ được huyện bố trí đồng bộ mẫu ô che nắng, mưa, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho di tích. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại của du khách trong mùa lễ hội năm nay, huyện phối hợp với Tập đoàn Tuần Châu khảo sát, thử nghiệm và đưa vào sử dụng hệ thống xe điện đưa, đón du khách từ bãi gửi xe của khu di tích đến các điểm tham quan lễ Phật (từ ngày 10-2-2023) nên du khách rất phấn khởi.

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, năm nay, Ban Quản lý lễ hội chùa Thầy cũng đặc biệt chú trọng đến việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh du lịch di sản thân thiện, mến khách đến với đông đảo khách thập phương. Huyện cũng xây dựng tuyến du lịch cụ thể, chỉ dẫn, giới thiệu để khách tham quan được thuận lợi nhất; dán các quy tắc ứng xử nơi công cộng, nội quy bán hàng ở những khu vực dễ nhìn để khách du lịch và người bán hàng thực hiện… Những nỗ lực đó đều nhằm xây dựng giá trị di sản, văn hóa, lịch sử chùa Thầy trở thành địa chỉ giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam, là điểm đến du lịch lý tưởng của du khách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Non nước chùa Thầy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.