Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nôn khi có thai: Chọn dùng thuốc an toàn

Theo Báo SK&ĐS| 14/09/2010 14:26

Khoảng 90% người có thai đều bị nôn, buồn nôn giai đoạn đầu, sau đó có khoảng 50% giảm đi ở tuần thứ 14 nhưng còn khoảng 10% ở tuần thứ 20vẫn còn nôn, một số người còn nôn đến tận ngày sinh.

Nôn là triệu chứng thường xảy ra trong thai kỳ. (Ảnh minh họa)

Điều lưu ý khi chọn thuốc

Nôn có thể nhẹ (chỉ lợm giọng, buồn nôn nhưng không nôn hay nôn rất ít) không cần hay chỉ dùng thuốc thông thường, tại nhà. Nôn cũng có khi nặng, rất nặng (nôn suốt cả ngày, hết thức ăn thì nôn ra nước, dịch mật, hết nước dịch mật thì nôn khan, gây mệt mỏi gầy sút, mất nước, máu bị cô đặc, bị toan, có khi nguy hiểm đến tính mạng), cần dùng thuốc, điều trị tại bệnh viện.

Nôn thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đó cũng là thời gian thai hình thành phát triển các cơ quan chức năng, dễ cảm thụ, bị dị tật do thuốc, nếu cần thì chọn loại thuốc không gây hại, dị tật cho thai. Trước khi dùng thuốc, cần khám loại trừ các nguyên nhân gây nôn do các bệnh khác, tìm cách điều trị riêng (như nôn do viêm loét dạ dày).

Thuốc chống nôn khi có thai, cách dùng

Dùng gừng tươi hay khô: kinh nghiệm dân gian dùng gừng tươi cắt lát, chấm muối, nhai (khoảng 20 - 50g) phòng chống được buồn nôn, nôn. Theo nghiên cứu mới của Anh: người có thai dưới 20 tuần, nôn nghiêm trọng, dùng mỗi ngày 4 lần, mỗi lần 250mg bột gừng khô, làm giảm được nôn. Theo đánh giá của các bác sĩ lâm sàng Anh thì hiệu năng chống nôn của 1.000mg gừng khô bằng 10mg metoclopramid. Tính chống nôn của gừng là do làm giảm co thắt dạ dày, gia tăng nhu động ruột. Dùng theo kinh nghiệm cổ truyền hay theo các bác sĩ Anh không thấy tác hại gì cho thai phụ, thai nhi.

Dùng vitamin B6: người có thai bình thường nên bổ sung mỗi ngày 2 -10mg. Nếu bị nôn thì mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5mg vitamin B6… Theo cách đó sẽ phòng chống được nôn mà không gây ra bất cứ tác hại gì cho thai phụ, thai nhi. Vitamin B6 được xem là thuốc đầu tay (ở Mỹ) trong phòng chống nôn cho thai phụ.

Kháng histamin: nữ khi có thai không những bị nôn mà có thể bị dị ứng hay nặng thêm các bệnh dị ứng khác (chàm, mề đay). Nôn hay các bệnh lý này không ảnh hưởng nhiều đến thai nhưng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc ăn ngủ, trạng thái cảm xúc của thai phụ nên bắt buộc phải dùng thuốc chống dị ứng. Tuy nhiên, thuốc chống dị ứng có rất nhiều loại. Thử nghiệm trên động vật không thấy hại, dị tật thai. Tuy nhiên, trên người, chỉ loại có đầy đủ thông tin khẳng định tính an toàn với thai ở liều điều trị như: chlopheniramin, diphenylhydramin, dexchlopheniramin, loratadin, cetirizin thì mới dùng cho người có thai; còn loại chưa có đủ thông tin khẳng định tính an toàn với người có thai ở liều điều trị như: hydroxyzin, ketotifen, deslorartdin, fexofenadin thì tuyệt đối không dùng.

Đặc biệt, cấm dùng hai thuốc kháng histamin có tiềm năng gây xoắn đỉnh như: astemizol, terfenadin (đã bị một số nước và nước ta cấm lưu hành). Trong thực tế, thường dùng cho thai phụ trong cả thai kỳ thuốc meclozin. Thuốc có tác dụng kéo dài. Liều dùng mỗi ngày uống 1 - 2 viên 25mg hay nạp thuốc đạn 50mg vào buổi tối trước khi đi ngủ. Riêng diphenylhydramin, tuy không gây dị tật cho thai, nhưng có thể gây hại thai, hại trẻ sơ sinh nên không dùng chống nôn cuối thai kỳ.

Thuốc có chứa magnesium: là dẫn chất của magnesium (dimecrotic acid 250mg + magnesium 50mg). Thuốc làm giảm co thắt của các cơ trơn, lợi mật, chống co thắt đường mật. Là thuốc chống nôn an toàn khi có thai. Mỗi lần uống 1 viên bọc đường 50mg, mỗi ngày 3 lần.

Các thuốc chống trào ngược dạ dày thực quản: metoclopramid kháng dopamin, làm tăng nhu động của hang vị, tá tràng, hỗng tràng, giãn phần trên của dạ dày, làm dạ dày rỗng nhanh nên giảm sự trào ngược dạ dày - thực quản, nhờ thế mà chống nôn. Các thử nghiệm trên động vật cũng như kinh nghiệm thực tế lâm sàng 25 năm qua cho thấy dùng ở liều điều trị (uống hay tiêm mỗi ngày 5 - 10mg) thuốc không gây hại, dị tật thai. Mới đây, một nghiên cứu (Matok I - 2009) hồi cứu hồ sơ quản lý của 81.703 trường hợp đơn thai và 998 trường hợp phá thai (từ 1998 - 2007 ở Israel), trong đó lần lượt có 4,2% và 3,8% dùng metoclopramid 3 tháng đầu thai kỳ. Kết quả: cho thấy trên những người đơn thai, tỷ lệ dị tật quan trọng với thai ở nhóm dùng thuốc là 5,3% và ở nhóm không dùng thuốc là 4,9%, chênh lệch không có ý nghĩa thống kê. Các phân tích ở những trường hợp chấm dứt thai kỳ cũng cho những kết quả tương đương (theo Journal watch Womens Health 10/6/09). Kết luận của nghiên cứu rộng lớn này một lần nữa khẳng định chắc chắn metoclopramid an toàn cho người có thai. Hiện nay, nó vẫn được dùng chống nôn cho thai phụ.

Tuy nhiên, nó kháng dopamin nên khi dùng liều cao có thể gây các triệu chứng ngoại tháp ở thai phụ (rối loạn trương lực cơ cấp tính, rối loạn vận động muộn). Cần thận trọng với người tăng huyết áp, người suy thận nặng (dùng giảm liều), người vận hành máy (vì gây buồn ngủ), người động kinh (vì làm bệnh nặng thêm), không dùng cho người u tế bào ưa sắc, người u tủy thượng thận (vì sẽ có cơn tăng huyết áp kịch phát), đề phòng sốc phản vệ nếu dùng tiêm (vì có chứa sulfid). Không dùng với các thuốc gây tương tác bất lợi như: alcohol, thuốc trị Parkinson (levodoapa, các kháng cholinergic), thuốc an thần, thuốc giảm đau gây nghiện.

Domperidon cũng ức chế dopamin, kích thích nhu động ruột làm tăng trương lực cơ thắt tâm vị, tăng độ giãn của cơ thắt môn vị sau bữa ăn, nhờ thế chống được nôn. Tuy nhiên, chưa chắc chắn an toàn cho thai nên không dùng chống nôn cho thai phụ.

Gừng tươi hay vitamin B6 không độc cho thai, thai phụ có thể tự dùng. Khi dùng những loại này không đáp ứng mới dùng tới các hóa dược khác. Các hóa dược khác chỉ mới có đủ thông tin an toàn với thai ở liều điều trị, trong khi đó có các thuốc cùng nhóm tương tự lại không an toàn cho thai, cần khám để thầy thuốc chọn thuốc, cho liều thích hợp, không nên tự ý (rất dễ bị nhầm).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nôn khi có thai: Chọn dùng thuốc an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.