Nhận lời tham gia Liên hoan Xiếc toàn quốc từ 6 đến 9-6 trong khuôn khổ Festival Huế 2006, Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐ) đã gửi 19 tiết mục lớn. Không nhận được tài trợ từ Ban tổ chức, LĐ chấp nhận đầu tư vài trăm triệu đồng, chỉ với mong muốn được “tỏ mặt anh tài”. Chỉ đạo nghệ thuật - NSƯT Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc LĐ chia sẻ suy nghĩ của anh với Hànộimới:
Các nghệ sỹ Liên hoan Xiếc VN trong một tiết mục tại Festival Huế
-Tham gia Liên hoan có 10 đoàn xiếc chuyên nghiệp, trong đó có 3 đoàn được đánh giá cao là Long An, TP HCM và LĐ - ra quân cả Đoàn I, Đoàn II và Đoàn Nuôi dạy thú. Trong số tiết mục của LĐ, có khá nhiều tiết mục lớn chưa từng bước ra khỏi cửa rạp xiếc Trung ương. Chẳng hạn đu quăng (nhào lộn) là một tiết mục khó, đòi hỏi kỹ thuật cao và phải bảo đảm tối đa độ an tòan. Đưa những trang thiết bị biểu diễn đu quăng đến Huế, chúng tôi phải mất rất nhiều công sức. Hay tiết mục dây căng cao, vì gắn liền với chiếc thang dài nên cũng không thể rời khỏi rạp. Vậy mà lần này chúng tôi đã mang nó đi. Bình thường đi diễn xa, LĐ chỉ mang theo 1 con voi đã là quá sức, nhưng lần này có tới 2 con.
19 tiết mục đều là tiết mục mới, đạt yêu cầu của Ban kiểm duyệt. Chẳng hạn như tiết mục patin phải được nâng cao, làm mới nhiều chi tiết; phần biểu diễn cùng gấu cũng là tiết mục mới tập thành công; tiết mục thang lắc đòi hỏi kỹ thuật cao, từng đoạt giải Khán giả yêu thích nhất tại Festival Italia…
- LĐ mang nhiều thứ quý đến Festival, chắc hẳn BTC phải ưu ái xiếc lắm ?
- Chúng tôi không được nhận một đồng tài trợ. Nếu chỉ nghĩ tới bản thân, LĐ chỉ cần chuẩn bị vài tiết mục nhỏ là đủ. Nhưng chúng tôi luôn hướng tới khán giả. Nói thật, nếu không có mục đích nhân văn thì chẳng ai muốn bỏ ra 5 - 7 trăm triệu chỉ để nhận cái bằng khen. Hơn nữa, Festival cũng là dịp để bạn nghề gặp gỡ, giao lưu, nhìn lại mình và gắng tự đổi mới.
- Khoe rằng xiếc Việt hay, không thua kém, thậm chí hơn nhiều nước. Thế cụ thể cái hơn mà anh muốn khoe là gì ?
- Có mấy quốc gia châu á có được rạp xiếc chuyên nghiệp và lớn như ở Việt Nam? Ta có nền văn hóa xiếc lâu đời, giờ lại có vài trăm nghệ sĩ xiếc, điều không phải nước nào cũng may mắn có. Ngoài ra, xiếc là môn nghệ thuật duy nhất mà ta có khả năng so đọ sòng phẳng với thế giới về mặt kinh doanh. Kể cả những chương trình ăn khách hiện nay, tôi dám nói rằng chẳng có show diễn nào dám ngày nào cũng diễn ở một nơi, bằng ấy tiết mục mà vẫn có khách. ở Việt Nam, xiếc chưa được nhìn nhận đúng đắn. Tôi tự hào khi “mang chuông đi đánh xứ người”. ở những quốc gia coi trọng nghệ thuật xiếc, chúng tôi luôn được cổ vũ nồng nhiệt. Họ đặt cho chúng tôi biệt danh Sleeping Tiger (Con hổ đang ngủ). Điều đó chứng tỏ xiếc Việt được ghi nhận tích cực.
- Mới đây anh nói rằng, đừng nghĩ xiếc Việt Nam kém và cũ, bởi chính các nghệ sĩ nước bạn cũng chỉ có những tiết mục duy trì suốt nhiều năm. Nói thế có vẻ như anh đang cố gắng thanh minh cho xiếc Việt ?
- Tôi không thanh minh, mà chỉ nói cho rõ hơn những gì người khác hiểu chưa đúng. Ai nói xiếc kém, nghĩa là người đó hoàn toàn không hiểu gì. Đừng đem nước bạn ra so với ta mà hãy nhìn ta đã phát triển ra sao so với trước. Rõ ràng là hơn chứ! Trước kia, xiếc chỉ là những trò diễn, nhạc chỉ là khúc nhạc nền chứ làm sao có những bản phối hoàn hảo. Xiếc bước qua thời hoàng kim bởi thời điểm để nó thăng hoa đã kết thúc. Giờ là thời của hip- hop, rock và hàng loạt những thứ thời thượng. Xiếc không yếu đi, mà tư duy của người thưởng thức đã khác xưa.
- Nói như anh, phải chăng tư duy thẩm mỹ của công chúng ngày càng kém nên không nhận ra cái hay, cái đẹp của xiếc ?
- Tôi không dám nói khán giả kém, mà là chúng tôi yếu trong quảng cáo, tuyên truyền. Người dân chưa hiểu hết cái hay, cái đẹp, tính nhân văn trong xiếc, nên việc họ không yêu xiếc hoàn toàn có thể thông cảm.
Khán giả ngại đến với xiếc, nhưng khi đã xem lại không muốn về, điều đó chứng tỏ xiếc vẫn có sức hút đấy chứ. Nhiều người chưa chấp nhận việc đưa các nghệ thuật khác vào xiếc, điều đó khiến cho người xem có cảm giác xiếc Việt cũ quá. Chúng tôi đang cố gắng phá đi thực tại đáng buồn này. Xã hội hóa là một hướng đi chiến lược.
- Xin cám ơn anh !
Bảo Trân thực hiện
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.