Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi tìm kiếm cơ hội của doanh nghiệp Khởi nghiệp

Ánh Tuyết| 11/11/2016 07:33

(HNM) - Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techfest Vietnam 2016) sẽ diễn ra trong ngày 12 và 13-11. Đây là cơ hội để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhận được sự quan tâm tham gia của xã hội cũng như nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi

Doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2015.



- Đề nghị ông cho biết vai trò, ý nghĩa của Techfest Vietnam 2016?

- Techfest là một sự kiện có thương hiệu quốc tế, nơi các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng tiềm năng, các nhà đầu tư, các chuyên gia đầu ngành về công nghệ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và truyền thông trong nước và quốc tế. Không chỉ giới thiệu, kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp nổi bật của Việt Nam và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đây còn là cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với nhau và với hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực. Sự kiện còn hướng tới quảng bá các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp; các sản phẩm KH&CN tiêu biểu của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.

- Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của Bộ KH&CN trong việc tạo cầu nối giữa nhà đầu tư với các đơn vị KH&CN khởi nghiệp?

- Bộ KH&CN được Chính phủ giao nhiệm vụ hoàn thiện hành lang pháp lý về KH&CN để hỗ trợ và tạo lập hệ thống hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đề án quốc gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đề án nhấn mạnh về sự gắn kết giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm phát triển từng thành phần của hệ sinh thái một cách đồng bộ, tạo ra sự liên kết giữa các thành phần để hệ sinh thái được bền vững, tạo cơ hội để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hội nhập quốc tế, tham gia các sự kiện khởi nghiệp trong khu vực và trên thế giới nhằm kết nối đầu tư, quảng bá thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam; tạo cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các khóa đào tạo nhằm học hỏi kinh nghiệm. Bộ KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm đến nhau như mời các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đến các sự kiện khởi nghiệp như Techfest; đưa các nhóm khởi nghiệp tiềm năng ra nước ngoài, đến các sự kiện lớn được tổ chức tại Phần Lan, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc...

- Techfest lần thứ hai này có gì khác so với Techfest 2015, thưa ông?

- 2015 là năm đầu tiên tổ chức Techfest tại Việt Nam, thu hút gần 1.000 người và khoảng 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự. Sau Techfest 2015, tính sơ bộ đã có hơn 1 triệu USD được đầu tư vào khởi nghiệp và gắn với đổi mới sáng tạo. Đó là kết quả đáng ghi nhận bởi ngay cả với Phần Lan, nơi có kinh nghiệm về khởi nghiệp, ở lần đầu tiên tổ chức ngày hội khởi nghiệp cũng chỉ có khoảng 300 người đến dự, chỉ đến năm 2014 thì số lượng mới tăng lên 14.000 người. Sau Techfest 2015, hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đã lớn mạnh hơn, dần đi vào thực chất. Chính vì vậy, Chính phủ đã quyết định chọn năm 2016 là Năm Khởi nghiệp quốc gia.

Điểm mới của Techfest Việt Nam 2016 là quy mô lớn hơn, thu hút khoảng 2.000 lượt người tham dự và 100 nhà đầu tư trong nước và quốc tế, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp. Các buổi tọa đàm trong khuôn khổ Techfest 2016 sẽ được tổ chức theo hướng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các chuyên gia - khách mời và người tham dự. Đặc biệt hơn, một hoạt động mới sẽ được tổ chức, đó là chương trình kết nối nhân lực công nghệ cao cho khởi nghiệp giữa 100 doanh nghiệp khởi nghiệp với khoảng 200 ứng viên có mong muốn làm việc cho công ty khởi nghiệp.

- Phong trào khởi nghiệp đã có sự lớn mạnh. Vậy, theo ông, về cơ chế chính sách, cần có sự điều chỉnh gì để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động khởi nghiệp?

- Chính sách là vấn đề quan trọng cho khởi nghiệp tại Việt Nam. Với tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có dành một chương cho nội dung khởi nghiệp. Ngoài ra, tôi nghĩ chúng ta cần ban hành những văn bản có liên quan đến việc đầu tư tại Việt Nam cũng như chính sách về thuế đối với hoạt động khởi nghiệp. Chúng ta cần phải bảo đảm môi trường pháp lý công khai, minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin, thủ tục thành lập và tổ chức các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp.

- Có thể hy vọng gì ở Techfest 2016, đặc biệt là việc kết nối đầu tư, tìm kiếm tài năng khởi nghiệp, thưa ông?

- Ban tổ chức hy vọng sự kiện này sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu rộng hơn trong cộng đồng khởi nghiệp, thu hút sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp quốc tế tới hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển ở Việt Nam; đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư phù hợp để phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư tiềm năng. Trong cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp”, 15 doanh nghiệp tiềm năng nhất sẽ thuyết trình về dự án khởi nghiệp trước các nhà đầu tư và giám khảo. Ban tổ chức hy vọng sẽ chọn ra được nhóm khởi nghiệp tiềm năng nhất trong số tham gia Techfest 2016.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi tìm kiếm cơ hội của doanh nghiệp Khởi nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.