(HNMO) - Thảo luận tại Quốc hội sáng 14-11, đại biểu Nguyễn Bắc Việt nêu góp ý, vị trí tiếp công dân phải làm sao để người dân không bị
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh). |
Nhận định tiếp công dân là hoạt động rất có ý nghĩa, là khâu quan trọng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, làm tốt công tác này là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần tích cực giải quyết các bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của người dân ngay từ cơ sở.
Tuy nhiên, qua thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và qua thực tế giám sát của mình, đại biểu Phương cho rằng, hoạt động lắng nghe, kiến nghị, phản ánh trong tiếp công dân còn đang bất cập. Cụ thể, có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan với nhau hoặc giải quyết không tới nơi, tới chốn, hoặc hướng dẫn sai địa chỉ.
"Dưới chỉ lên trên, trên chỉ xuống dưới, mất thời gian, lòng vòng, làm bức xúc của người dân thêm gia tăng" - đại biểu Phương phát biểu thẳng thắn và đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành các quy định của pháp luật để kịp thời khắc phục lỗ hổng về vấn đề này.
Đại biểu Phương cũng kiến nghị, việc tiếp công dân định kỳ phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Địa điểm tiếp công dân phải gọn gàng, ngăn nắp, có đủ ghế ngồi, nước uống cho người dân; có các tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền về pháp luật, đặc biệt có thể phát các video clip về các vụ việc khiếu nại, tố cáo được dư luận xã hội quan tâm để nhân dân nhận biết bản chất của vụ việc. Cán bộ tiếp công dân phải cởi mở, thân thiện, chân tình với người dân nhưng đồng thời phải kiên quyết với những phần tử lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối, vụ lợi, cố tình khiếu kiện trong khi đã được giải quyết thấu tình, đạt lý.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu). |
Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên, đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, như vậy là chưa đủ. Thanh tra Chính phủ cần tham mưu Chính phủ quy định chặt chẽ, kỹ càng hơn và kết thúc công tác tập huấn cho cán bộ tiếp dân.
"Tập huấn phải cầm tay chỉ việc, tức là phải có những video clip chỉ những hình mẫu, biểu diễn những đợt tiếp công dân, cách tiếp công dân, hình thức nào và diễn đạt sâu, kỹ hơn. Chứ hiện giờ mình đang tập huấn dưới góc độ triển khai văn bản rồi sau đó tiếp thu và triển khai" - đại biểu Tuấn đề nghị thay đổi cách tập huấn về tiếp công dân để cán bộ tiếp công dân có đầy đủ kỹ năng hơn, sáng tạo hơn và có cách xử lý linh hoạt với những trường hợp người dân quá khích hoặc có thái độ không đúng mực khi khiếu nại, tố cáo.
Cũng theo đại biểu Dương Minh Tuấn, tâm lý người đi khiếu kiện là mong muốn được gặp người đứng đầu, người có thẩm quyền để họ trình bày sự việc, dù có thể giải quyết được hay không. Tuy nhiên, tình trạng khá phổ biến hiện nay là lãnh đạo ủy quyền cho cấp phó hoặc thanh tra.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Đoàn Ninh Thuận). |
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) nêu nhận xét, ở nhiều nơi, người dân bức xúc đôi khi không phải do vụ việc của mình chưa được giải quyết thấu đáo mà do thái độ của cán bộ tiếp dân không đúng mực.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Đoàn Ninh Thuận) nêu một số góp ý cụ thể về vị trí tiếp công dân, phải làm sao để người dân không bị "choáng ngợp" hoặc "sợ".
"Muốn vậy, vị trí tiếp công dân phải làm sao để người dân xem như nhà của mình..., chứ để người dân vào mà run và sợ thì không nên. Cách thức và vị trí ngồi của người tiếp công dân cũng nên xử lý sao cho được gần dân, tránh thể hiện sự quan cách. Câu chuyện này nếu làm tốt sẽ xử lý được nhiều việc, vì khi người dân đang rất nóng mà thấy tinh thần, thái độ, vị trí, cách tiếp dân tốt, họ sẽ dịu hơn".
Trên cơ sở thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ để chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện và sẽ báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.