Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi “thầy truyền dạy lý tưởng với tình thương”

Tống Ngọc Thanh| 20/05/2013 06:10

(HNM)-Không phải ngẫu nhiên, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội lựa chọn Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội là một trong hai tập thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo TƯ tặng Bằng khen.


Nơi đây tập trung gần 1.300 học viên cai nghiện ma túy thuộc diện bất hảo nhất, được chọn ra trong số 12.000 người nghiện đang cai bắt buộc tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội. Cuộc đời của gần 1.300 học viên coi như bỏ đi và bế tắc hoàn toàn, vậy mà họ đã tìm thấy "lối rẽ"... 

Học viên Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội sản xuất đồ gốm sứ cao cấp.


Lửa thử vàng

Trời nắng như đổ lửa, đoạn đường từ thị xã Sơn Tây vào thôn Xuân Khanh, xã Xuân Sơn, dường như dài hơn. Hỏi thăm người lái xe ôm đến Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội, ông nhún vai, lắc đầu: "Ùi! trung tâm này toàn đầu gấu. Các anh đi đến suối Hai thì rẽ phải, nó nằm ngay bên trái đường". Chỉ dẫn rõ ràng, nhưng cũng mất nửa tiếng đồng hồ, nhóm phóng viên mới tìm vào đến trung tâm. Sau cái bắt tay xã giao, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 Phạm Quang Thịnh cắt nghĩa luôn hai từ "đầu gấu" mà bác xe ôm ám chỉ. Ông Thịnh bảo, quanh khu vực này có đến 4-5 trung tâm cai nghiện với cái tên na ná như nhau. Là Trung tâm quản lý sau cai nhưng ở đây "hội tụ" toàn bộ học viên cứng đầu nhất trong tổng số 12.000 người nghiện ma túy đang cai bắt buộc tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội. Chuyện học viên ở đây có 5-6 tiền án, tiền sự, có thâm niên sử dụng ma túy hàng chục năm và nhiều người "dính" HIV không phải là hiếm. Sở dĩ có đặc thù này vì trung tâm là đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm theo Đề án 214 và Nghị định 94 của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người nghiện sau cai. Nghe dài dòng nhưng nôm na thế này: Trong số 12.000 người đang cai nghiện tại các trung tâm, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội chỉ đạo các đơn vị phân loại, lọc ra 1.300 học viên gồm những người có nhiều tiền án, tiền sự, tái nghiện nhiều lần, khả năng lây nhiễm cao và ý thức kỷ luật yếu đưa về quản lý, giáo dục dạy nghề tại Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội. Thời gian đối với các trường hợp cai nghiện bắt buộc thông thường là 2 năm nhưng với học viên ở đây là 4 năm.

Nhớ lại ngày đầu tiếp nhận học viên, giờ ông Thịnh vẫn thấy ái ngại. Cơ sở vật chất của trung tâm nghèo nàn, học viên bất trị, cán bộ làm nhiệm vụ quản lý giáo dục vừa yếu lại vừa thiếu. Phần lớn học viên có tư tưởng chống đối vì theo họ, sử dụng ma túy chỉ là vi phạm hành chính, vậy mà thời gian giáo dục, cải tạo bắt buộc tới 4 năm thì tương đương một án tù. Trước nguy cơ học viên có thể xô xát, bỏ trốn, cán bộ trung tâm chỉ còn cách động viên, giải thích và thậm chí, nịnh để họ tiến bộ. Thấy cán bộ ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng, cùng lao động sản xuất, tư tưởng của học viên dần thay đổi. Ranh giới giữa cán bộ và học viên gần hơn, họ đồng cam cộng khổ để có một tập thể đoàn kết như ngày hôm nay. Hơn một nghìn "con ngựa bất kham" ngày nào giờ không chỉ đoạn tuyệt với ma túy mà họ còn tìm thấy lối rẽ cho cuộc đời mình từ công việc lao động giản đơn. Họ tự kiếm tiền nuôi thân bằng đồng lương chứ không phải lệ thuộc vào gia đình và xã hội như trước kia.

Học viên Nguyễn Xuân Hải tâm sự: "Chúng em cảm thấy mình may mắn. Nếu vẫn cứ lang bạt kỳ hồ, sống dặt dẹo "đánh đu" cùng ma túy và trộm cắp thì em và nhiều bạn khác chết lâu rồi. Cha mẹ sinh ra nhưng công lao giáo dục của các thầy cô ở trung tâm này còn lớn hơn thế".

Nói về vấn đề này, ông Phạm Quang Thịnh phấn khởi khoe: "Được như hôm nay, cán bộ trung tâm thực sự hạnh phúc. Chúng tôi không mừng vì cơ sở vật chất của trung tâm đàng hoàng, to đẹp bởi chẳng quốc gia nào mong muốn, tự hào khi xã hội phình ra nhiều nhà tù và trại cai nghiện. Chúng tôi mãn nguyện bởi đã cảm hóa, giáo dục được người lầm lỡ trở về với cộng đồng. Từng là những đối tượng bất hảo, cuộc đời tưởng như không còn lối thoát thì giờ đây, họ đã trở thành công dân có ích cho xã hội. Tất thảy 1.300 học viên đang ở trung tâm đều đã có lương, trừ chi phí sinh hoạt, mỗi học viên được nhận khoảng 800 nghìn đồng/tháng; đặc biệt, học viên có tay nghề kỹ thuật cao nhận khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Họ coi trung tâm như ngôi nhà thứ hai của mình, nhiều người hết hạn 4 năm vẫn xin ở lại để tiếp tục học nghề và lao động kiếm sống. Đúng là "lửa thử vàng", giờ có cho học viên trốn trại họ cũng chẳng trốn, rất tự giác các nhà báo ạ".

Lối về tươi sáng

Từng được mệnh danh là "dũng sĩ diệt gia đình", gương mặt Nguyễn Văn Duy gồ ghề, nom già trước tuổi. Ít ai nghĩ học viên cứng đầu, cứng cổ này lại là người đoạt giải nhất cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ do Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội, Thị ủy Sơn Tây và Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức. Kể chuyện về Bác, liên hệ thực tế với bản thân, Duy rơm rớm nước mắt khiến hội trường cả trăm người lặng đi vì xúc động. Chúng tôi hỏi vì sao Duy khóc? Em thật thà chia sẻ rằng thấy có lỗi với gia đình, người thân. Nhà Duy ở phố Kim Hoa, phường Phương Liên (quận Đống Đa), gia đình không giàu cũng chẳng nghèo. Đang học phổ thông, Duy đua đòi cùng đám bạn xấu và "bập" vào ma túy. Bố mẹ Duy oằn lưng đi làm cả ngày không đủ cho em ăn một bữa "cơm đen", tài sản trong nhà dần dà đội nón ra đi. Phá phách cho tới khi gia đình kiệt quệ, Duy bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Sau khi cắt cơn, em được chuyển về Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội. Khi trung tâm phát động cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Duy sưu tầm tài liệu tham gia. Với chủ đề "Lối sống giản dị và tiết kiệm của Bác Hồ", em kể câu chuyện đôi dép lốp. Cứ thế, nước mắt Duy trào ra mà không sao kìm được. Em nói khẽ: "Vào đây, chúng em đã được hồi sinh. Giờ, em không chỉ đoạn tuyệt với ma túy mà còn đi làm, có lương ổn định cuộc sống".

Hoàn cảnh gia đình và con đường trở thành nô lệ của heroin giống Duy nhưng Nguyễn Tuấn Dũng (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) lại có khuôn mặt rất điển trai với nụ cười mỉm luôn thường trực. Dũng chưa bao giờ khóc, ấy vậy mà trong cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, mắt em bỗng dưng ngấn lệ. Dũng bảo, hôm đó em kể "Chuyện suy tư đêm 30". Nội dung kể lại việc Bác Hồ đến thăm một gia đình nghèo nhất của Hà Nội vào đúng đêm 30 Tết. Chuyến vi hành này của Bác không có trong kế hoạch công tác của tổ thư ký. Chứng kiến cảnh một phụ nữ góa chồng, đêm giao thừa đi gánh nước thuê để lấy tiền nuôi con ăn học, Bác rất buồn và nói rằng: "Cả một khu phố mà không ai quan tâm đến hoàn cảnh của gia đình cô Tín. Phải chăng chúng ta quá quan liêu...". Kể đến đây, mắt Dũng đỏ hoe. Em nhớ lại cảnh học viên đón Tết ngay tại trung tâm. Dù không có người thân bên cạnh nhưng cứ mỗi khi Tết đến, tất thảy cán bộ và hơn nghìn học viên lại quây quần bên nhau, cùng gói bánh chưng, liên hoan văn nghệ đón xuân. Nhiều bạn nhiễm HIV, sức khỏe yếu cũng được cán bộ trung tâm cử người mang đồ ăn xuống tận phòng hoặc dìu lên hội trường tham dự. Tình cảm và nghĩa cử cao đẹp ấy, các học viên không bao giờ quên. Và, để trả ơn các cán bộ của trung tâm, học viên tự bảo nhau tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người tốt, người sống có ích cho xã hội.

Chia tay với cán bộ, học viên Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội, học viên Nguyễn Xuân Hải (Đội 2) nán lại, tần ngần đưa chúng tôi bài thơ "Viết tặng thầy cô" do em tự sáng tác. Chúng tôi mượn câu thơ của em Hải thay cho lời kết: "Thầy tôi đó không dạy văn dạy toán/Không giáo án mà cũng chẳng giảng đường/Thầy truyền dạy lý tưởng với tình thương/Giữ lập trường, biết căm thù ma túy".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi “thầy truyền dạy lý tưởng với tình thương”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.