(HNMO) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công kỹ thuật tái tạo sàn hốc mắt với đường mổ nội soi hoàn toàn qua đường miệng. Bệnh nhân là nữ giới, 31 tuổi.
Ngày 17-2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân là Trần Thị H, 31 tuổi, vào viện tháng 6-2018. Sau tai nạn giao thông, chị H bị sưng nề và bầm tím vùng mắt, má trái, mắt trái hạn chế vận động không thể ngước nhìn lên.
Hình ảnh mô phỏng việc nội soi tái tạo sàn hốc mắt hoàn toàn qua đường miệng |
Qua chụp cắt lớp vi tính, sàn ổ mắt bị vỡ, cơ và phần mềm tụt kẹt xuống dưới vào trong xoang hàm trên. Bệnh nhân được hội chẩn và phẫu thuật tái tạo sàn hốc mắt với nội soi qua đường miệng, cơ và thần kinh được giải phóng, sàn hốc mắt được tái tạo với vật liệu nhân tạo.
Sau mổ 6 tháng, bệnh nhân khám lại cho thấy, mắt hai bên cân đối, bệnh nhân nhìn tốt, vận động nhãn cầu bình thường.
Sàn ổ mắt (hay hốc mắt) là một lớp xương mỏng ngăn cách hốc mắt với xoang hàm trên, có tác dụng nâng đỡ cho nhãn cầu và tổ chức xung quanh. Đây là vị trí thường gặp tổn thương nhất trong các thành của hốc mắt do cấu trúc xương rất mỏng. Hậu quả của tổn thương này là nhãn cầu và các cấu trúc xung quanh bị tụt kẹt vào ổ gãy hoặc thoát vị xuống xoang hàm trên, gây nên các biến chứng ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ của bệnh nhân như nhìn đôi, kẹt cơ vận nhãn gây lác, lõm ổ mắt… |
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt-Tạo hình-Thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) chia sẻ, điều trị vỡ sàn hốc mắt cần được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm dựa trên nguyên tắc chung là phẫu thuật giải phóng tổ chức bị tụt kẹt, thoát vị và tái tạo lại sàn ổ mắt bằng chất liệu phù hợp; nên can thiệp sớm trong vòng 2 tuần đầu sau chấn thương, mặc dù mắt còn nề hay chưa xuất hiện các dấu hiệu như lõm mắt, song thị để tránh hiện tượng xơ hóa tổ chức.
Trước đây, đường mổ kinh điển vào sàn ổ mắt có thể qua bờ mi dưới, qua nếp má - mi hoặc kết mạc mi dưới. Các đường mổ này có nguy cơ để lại sẹo xấu hoặc một số biến chứng như trễ mi, quặm mi, tái tạo không chính xác.
Theo Ths.BS Vũ Trung Trực, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt-Tạo hình -Thẩm mỹ, người trực tiếp tham gia thực hiện ca mổ, phẫu thuật nội soi hỗ trợ hay toàn bộ được thực hiện trong vài thập kỷ gần đây trên thế giới, có thể qua các đường mổ kinh điển hoặc qua đường mũi, tiền đình miệng.
Kỹ thuật này giúp tăng cường khả năng quan sát chính xác của phẫu thuật viên, đặc biệt là với các thương tổn nằm sâu trong ổ mắt, từ đó giúp phục hồi tốt nhất về giải phẫu và thể tích ổ mắt. Phương pháp tái tạo sàn ổ mắt hoàn toàn qua đường miệng với nội soi giúp tiếp cận vùng mổ một cách chính xác đồng thời không để lại sẹo bên ngoài (đường mổ nằm hoàn toàn trong niêm mạc miệng).
Bệnh viện Việt Đức là cơ sở hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật nội soi, vì vậy kỹ thuật này được ứng dụng khá rộng rãi và thuận lợi trong tạo hình thẩm mỹ như nội soi trong chấn thương hàm mặt, chấn thương ổ mắt, nội soi lấy u, tạo hình-thẩm mỹ vùng mặt, ngực, bụng…
Các di chứng của chấn thương ổ mắt thường để lại các hậu quả nặng nề cả về tâm lý, thẩm mỹ và chức năng đối với người bệnh. Các trường hợp đến muộn, di chứng rất khó sửa chữa và cho kết quả không cao.
“Vì vậy, người bệnh cần đến khám sớm tại các cơ sở điều trị với các bác sĩ có kinh nghiệm để được phát hiện và điều trị kịp thời nhằm mang lại kết quả cao nhất có thể”, Ths.BS Vũ Trung Trực khuyến cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.