(HNM) - Đan Phượng cách trung tâm Hà Nội quãng 30km. Thời bao cấp xe đạp lọc cọc hơn một giờ, nay xe máy èn èn cữ ba mươi phút là tới...
Thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng trên đường đổi mới. Ảnh: Tô Phán |
1. Đan Phượng có nghĩa là chim phượng hoàng đỏ. Hẳn là người xưa muốn gửi gắm qua việc đặt tên mong ước về một vùng đất no ấm, có văn hóa và bền vững muôn đời. Nằm ở cửa ngõ Kinh thành Thăng Long, nơi có Thành cổ Ô Diên, huyện Đan Phượng được biết đến như một vùng đất "địa linh nhân kiệt", địa bàn chiến lược quan trọng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các cụ già ở Tân Hội tự hào khoe rằng xã mình có tới 4 tiến sĩ trong số 15 vị tiến sĩ của Đan Phượng được vinh danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trên địa bàn huyện có tới 136 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 36 di tích cấp quốc gia. Đan Phượng còn là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như hát ca trù ở Thượng Mỗ, vật ở Hồng Hà, thi thổi cơm hội Dày, hát chèo tàu ở hội Gối, hát chèo bè trên sông của dân chài Vạn Vĩ, hội thả diều Bá Giang, bơi chải ở Đồng Tháp, rước cây bông ở Trung Hà... Có lẽ vì thế mà một số nhà văn, nhà thơ có tiếng đã thì thào với nhau về vùng đất này là "ngợp" ngay với nguồn chất liệu ngồn ngộn, tất thảy đều tinh, không phải "khai quật" chắt lọc cực nhọc, chỉ cần khéo dụng tâm, gợi hứng là có thể cho ra những thứ đọc rất được.
Trước Đan Phượng là vùng đất trũng chỉ trồng được một vụ lúa, cũng bấp bênh lắm. Vậy mà chỉ trong thời gian rất ngắn, nhân dân trong huyện đã đào đắp hàng triệu mét khối đất, xây dựng hàng trăm kilômét cầu cống, kênh mương, biến nhiều vùng trũng thành đất trồng lúa hai vụ chắc ăn. Quê hương của phong trào "Ba đảm đang" vinh dự nhiều lần đón Bác Hồ về thăm. Lần về Song Phượng, Bác dặn: "Về Song Phượng, Bác thấy lúa tốt, Bác mừng. Nên tranh thủ những ngày nắng ráo, gặt nhanh, chớ để vương vãi vì một hạt thóc là một hạt vàng. Chia phần cho xã viên phải công bằng, hợp lý". Lần khác, về Tân Lập, Bác nói: "Các cô chú phải cố gắng sản xuất cho thật tốt, phân phối công bằng, cán bộ phải quan tâm đến đời sống nhân dân". Về thăm huyện, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen ngợi: "Chỉ trong vòng 1 tháng mà Đảng bộ và nhân dân Đan Phượng đã làm nên một sự kiện rất vẻ vang, thay đổi toàn bộ bộ mặt nông thôn, đồng ruộng được đổi mới, nó đã chấm dứt tình trạng "ruộng anh, ruộng tôi" của chế độ phong kiến để lại. Nhổ được cái "cọc lim" đóng ở góc chân ruộng trũng mà hàng ngàn đời nay không ai nhổ được, nay Đan Phượng làm được là một việc phi thường".
2. Đấy là những chuyện ngày trước, còn bây giờ, Đan Phượng - một trong những cánh chim đầu đàn của ngành nông nghiệp cả nước - đang cố gắng làm được một điều phi thường nữa: Xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Nói thì dễ, làm bao giờ cũng khó, dù đã có cái "nền" khá vững, nhưng nông thôn mới là một phạm trù rất rộng. Còn nhớ từ năm 1964 ở xã Liên Minh đã có phong trào 4 đẹp "đẹp đồng ruộng, đẹp xóm làng, đẹp nhà cửa, đẹp con người" và xã đã trở thành một điển hình về xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn. Nhiều địa phương trong cả nước đến thăm, học tập kinh nghiệm rầm rập. Nhưng đó chỉ là quy mô nhỏ, nhiều thứ trước đã tốt rồi, bây giờ đòi hỏi phải tốt hơn nữa, nhất là lần này làm rộng ra cả huyện. Phải bắt đầu từ đâu đây?
Nói về những thành tựu của Đan Phượng sau 5 năm hợp nhất, lãnh đạo huyện chia sẻ, để Đan Phượng trở thành địa phương đứng đầu của Hà Nội trong việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa xây dựng nông thôn mới cần phải tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đảng lãnh đạo, nhưng dân phải làm chủ. Xây dựng nông thôn mới phải có nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể; trước khi ban hành văn bản huyện đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thảo luận, góp ý, sau đó mới quán triệt đến từng bộ phận. Tiếp đó là phải tạo được những cơ chế, chính sách thông thoáng, phân cấp mạnh cho cơ sở, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh; trong quá trình tổ chức thực hiện 19 tiêu chí, phải lựa chọn, sắp xếp, phân loại và chỉ đạo quyết liệt. Mặt khác, đội ngũ cán bộ cũng phải lựa chọn những người có tâm huyết, dám nghĩ dám làm, có năng lực trình độ chuyên môn, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát.
Học sinh Trường Tiểu học Song Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thái Hiền |
Có định hướng đúng đắn, có quyết tâm và tạo được sự đồng thuận, cả huyện như một "đại công trường". Khi xây dựng đường làng ngõ xóm, huyện hỗ trợ mua cát, sỏi, xi măng (gần 30% giá trị đầu tư) còn người dân góp tiền, nhà không có tiền thì đóng góp bằng ngày công lao động hoặc tự nguyện hiến đất xây đường làng (riêng năm 2011, đã có 142 hộ hiến đất làm đường). Chính quyền và người dân cùng giám sát để chất lượng công trình tốt hơn. Nhờ triển khai quyết liệt, có bài bản, chỉ trong mấy năm huyện đã xây mới, cải tạo được 39 trường học, 11 trạm y tế, có 50km đường bê tông liên xã rộng 20m, gần 100km đường rộng 9m. Cùng với việc tập trung xây dựng nông thôn mới ở xã điểm Song Phượng, Đan Phượng triển khai xây dựng quy hoạch nông thôn mới ở các xã khác, tạo sự chủ động cho cơ sở. Chủ tịch UBND huyện Đinh Hữu Hạnh cho biết, hiện đã cơ bản hoàn thành việc lập quy hoạch cho toàn bộ 15 xã, đã duyệt 290 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm tiêu chí nông thôn mới. Huyện cũng đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao như chuyển đất trồng lúa sang trồng hoa cho thu nhập 200-500 triệu đồng/ha; dự án sản xuất rau an toàn, các mô hình trồng bưởi Diễn, liên kết với doanh nghiệp trồng hoa cao cấp với tổng diện tích lên tới hàng trăm hécta, hứa hẹn đem lại thu nhập cao và việc làm cho nhiều nông dân. Cũng như các huyện ngoại thành khác, người mỗi ngày một "nở" ra, đất nông nghiệp thì ngày càng "ngót", thế nên cùng với chuyển đổi cơ cấu, giống, tăng giá trị sản xuất cây trồng theo hướng hàng hóa, chuyên canh, huyện cũng khuyến khích mở rộng các mô hình chăn nuôi lợn, nhím, cá sấu, ba ba, bò sữa... vì vậy mà giá trị sản xuất bình quân trên 1ha tăng từ 28 triệu đồng năm 2002 lên hơn 100 triệu đồng năm 2011...
3. Hồi đi học, tôi mê thơ Quang Dũng lắm. Cứ ôm theo "Mắt người Sơn Tây" với: "Em mơ cùng tôi nhé/Bóng ngày mai quê hương/Đường hoa khô ráo lệ/Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng/Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc/Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng", hay với "Mây đầu ô": "Là nắng triền cao/Tay sém ngấn mặt trời/Là trời công trường xa tít tắp/Áo ngực xanh yếm biển/Bay bay dải mũ hải quân"... chép vội trên giấy học trò, rỉ rả đọc cho nhau nghe những lúc chăn trâu. Có một thời, người ta phê Quang Dũng là nhà thơ tiểu tư sản. Cả nước đang trường kỳ kháng chiến, có khổ cũng phải lạc quan, thơ ca ủy mị như thế chỉ làm "mềm" những đoàn binh thép. Mãi sau này người ta mới thừa nhận Quang Dũng đã tạc nên tượng đài người lính Tây Tiến trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Thế nên khi về Đan Phượng, địa chỉ đầu tiên phải tìm đến là ngôi trường ngày trước nhà thơ từng học...
Như đã nói, người Đan Phượng vẻ ngoài mộc mạc, hiền đến dễ thương, nhưng qua những lúc "lửa thử vàng" mới thấy họ ẩn chứa bên trong sự quyết liệt, năng động, dám nghĩ, dám làm. Mới có mấy năm "làm" nông thôn mới mà bộ mặt của huyện đã đẹp rờ rỡ, nom "ra tấm, ra miếng" vì có quy hoạch hẳn hoi, chứ không lôm côm như một số nơi khác. Nhớ bữa thăm Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của huyện đang được gấp rút hoàn thiện, tôi gặp chị Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc một công ty đang là bên B của huyện thực hiện dự án xây dựng cụm tượng đài liệt sĩ, công viên, thư viện, bảo tàng. Chị Hạnh nói: "Là người Đan Phượng nên có khả năng là tôi muốn góp sức xây dựng quê hương. Chính vì thế mà khi huyện chưa có vốn tôi đã ứng trước gần 70 tỷ đồng để triển khai dự án. Đan Phượng đã được Đảng, Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, khi khánh thành công trình, anh nhớ về chia vui nhé"...
Nhìn bức phù điêu bằng đá xanh khắc ghi những chiến công của các anh hùng liệt sĩ in bóng cao vút trên nền trời xanh thẳm, trong tôi chợt vang lên câu hát: "Đan Phượng ơi, quê hương người gái đảm/Đồng hợp tác xanh tươi cấy cày thẳng tắp/Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc...".
Sau 5 năm hợp nhất về với Thủ đô, rõ ràng "chim phượng đỏ" đang vút bay lên trên bầu trời Thăng Long nghìn năm yêu dấu. Tôi tự nhủ, nhất định sẽ lại về, khi Đan Phượng có tin vui...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.