Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi phụ nữ là “đầu tàu kinh tế”

Nguyễn Mai| 26/02/2012 07:00

(HNM) - Dân gian có câu:


Cách trung tâm Thủ đô 20km, khách phương xa đến xã Ninh Hiệp đều không khỏi ngỡ ngàng vì cơ man trên trời dưới đất là vải vóc và quần áo. Hiện Ninh Hiệp có 1.480/3.500 hộ có nghề kinh doanh vải. Dọc đường làng hoặc vào sâu trong chợ, đâu đâu cũng san sát cửa hàng vải tấp nập người mua bán. Ở Ninh Hiệp, phụ nữ vẫn có câu đùa "ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm". Họ là những "đầu tàu kinh tế" của gia đình. Ông Lý Duy Khương khẳng định: Giá trị sản xuất trên địa bàn xã luôn dẫn đầu huyện Gia Lâm, năm 2011, đạt 900 tỷ đồng, thu ngân sách trên 10 tỷ đồng. Trong đó, phụ nữ đóng góp khoảng 90% thu nhập trong mỗi gia đình và địa phương.


Phụ nữ Ninh Hiệp rất giỏi làm ăn buôn bán, họ đóng góp tới 90% kinh tế trong mỗi gia đình và địa phương. Ảnh: Minh Phú

Chủ tịch UBND xã Lý Duy Khương lý giải rằng, phụ nữ Ninh Hiệp giỏi giang do họ được thừa hưởng gen "di truyền" các cụ để lại. Xưa kia, Ninh Hiệp thuộc tổng Nành nằm bên dòng sông Thiên Đức có truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt lụa. Đây cũng là quê hương của Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, vợ vua Lê Hiển Tôn và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, vợ vua Quang Trung vốn nổi tiếng trong lịch sử tài sắc vẹn toàn. Còn theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch HĐND xã, việc buôn bán giỏi giang vốn là "thiên bẩm" của phụ nữ Ninh Hiệp. Ở đây, bé gái 13 tuổi đã được mẹ cho ra chợ phụ bán hàng, được học kinh doanh. Lớn lên chỉ 18, 20 tuổi là đã đủ tài làm chủ một sạp vải ở chợ trị giá hàng trăm triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Nhâm, thôn 1 là chủ một sạp vải lớn trong chợ cho biết: Ở Ninh Hiệp, việc nhập hàng rồi bán lẻ đều do phụ nữ đảm nhận. Các hộ đều có "mối" làm ăn thẳng với người nước ngoài. Chính vì thế mà đàn bà đi chợ ngoại quốc như cơm bữa. Họ đi chợ Chiết Giang và Hàng Châu (Trung Quốc) đông như trẩy hội. Nhiều chị em sang tận Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia… để cất hàng. Những hôm không đi chợ ngoại quốc, họ vẫn dậy từ sớm để mở cửa hàng và chỉ đóng cửa về nhà khi tối sẩm. Ăn xong bữa cơm tối, lại tất bật vào sổ sách thu chi tới khuya mới nghỉ.

Đàn ông… rửa bát, quét nhà

Cũng theo bà Nhâm, người Ninh Hiệp rất giữ chữ tín trong làm ăn. "Buôn bán phải đặt việc giữ chữ tín lên hàng đầu. Với đối tác nước ngoài, chỉ cần làm ăn với nhau một vài lần là có thể tin tưởng nhập hàng về mà không cần sang tận nơi để kiểm". Còn chuyện bán lẻ, Ninh Hiệp có hàng nghìn cửa hàng bán vải, không khí nhộn nhịp tấp nập cả ngày, nhưng việc buôn bán rất quy củ, không có chuyện tranh mua, tranh bán, giành giật, chèo kéo khách. Việc giao dịch mua bán cũng rất thoải mái: Người mua mặc cả vô tư, nếu không được giá thì người bán cũng chỉ nhỏ nhẹ: "Em không bán giá ấy được" chứ không có chuyện lườm nguýt, đốt vía hay mắng người mua té tát... Ông Lý Duy Khương nhấn mạnh, việc giao tiếp với khách hàng, chất lượng hàng hóa và giá cả là 3 thứ người bán hàng ở đây đều thuộc. Đó là lý do để nghề buôn bán ngày thêm phát đạt. Nhờ nghề này mà dân làng có cuộc sống khá giả. Nông thôn giàu đẹp, những con đường làng rộng rãi, lát gạch khang trang thuận tiện cho giao thông, mua bán; những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Nhà nào diện nghèo trong làng cũng phải có một sạp vải, còn lại nhiều gia đình có tới 5-6 cửa hàng to, nhỏ trong chợ.

Có nghề buôn bán, phụ nữ trở thành "đầu tàu kinh tế", ngược lại, đàn ông ở nhà thay vợ quán xuyến việc bếp núc, đưa đón con cái học hành, làm việc đồng áng và các việc xã hội khác. Tuy vậy, đàn ông vẫn là chủ gia đình chứ không có chuyện chồng bị lép vế khi vợ hái ra tiền của. Buôn bán phát triển nhưng nông nghiệp ở đây vẫn được coi trọng, 240ha đất lúa vụ nào cũng được "cánh mày râu" cấy hái đầy đủ. Việc học hành của con trẻ cũng không bê trễ, hằng năm, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học đều tăng, mỗi năm có 40-50 em học sinh thi đỗ vào các trường đại học… Đó là công lớn của những người đàn ông trong làng và đó cũng là lý do để người dân Ninh Hiệp vẫn thường bảo nhau: "Của vợ công chồng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nơi phụ nữ là “đầu tàu kinh tế”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.