Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi niềm thương nhớ Tố Như

Thi Thi| 06/12/2015 07:30

(HNM) - Chuỗi sự kiện kỷ niệm 250 năm sinh (1765-2015) của người tạo nên kiệt tác Truyện Kiều, Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du đã diễn ra với các hoạt động suốt nhiều tháng qua.

Báo Hànộimới ghi lại những góc nhìn gần gũi, những nhận định về Nguyễn Du qua con mắt của nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà phê bình, đạo diễn điện ảnh tham gia nghiên cứu, làm phim về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Du khách tham quan Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).


Giáo sư Phong Lê:

Nguyễn Du được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới. Đối với dân tộc Việt Nam, Nguyễn Du là một tác gia lớn, với một sự nghiệp viết không thực đồ sộ nhưng có giá trị kết tinh rất cao. Trước hết, đó là ba tập thơ chữ Hán: "Thanh Hiên thi tập" (78 bài), "Nam Trung tạp ngâm" (34 bài), "Bắc hành tạp lục" (131 bài) in đậm bản sắc và bản lĩnh cá nhân của một hồn thơ rất giàu tình thương đời, tình yêu nước và yêu dân. Cùng với thơ chữ Hán là thơ Nôm với Văn tế thập loại chúng sinh, 184 câu song thất lục bát, dồn chứa sự cảm thông cùng tận với tất cả những thân phận khổ đau, bất hạnh…

Nếu chỉ bấy nhiêu thôi, Nguyễn Du cũng đã đủ tư cách là một tác gia tiêu biểu của văn chương Việt trung đại như nhiều tên tuổi khác trước và sau ông. Thế nhưng, Nguyễn Du còn là tác giả của Truyện Kiều và đây mới thực là một sự kiện làm thay đổi tầm vóc, khiến cho Nguyễn Du trở thành một đỉnh cao đột xuất của văn chương Việt. Và với tầm vóc đó, về sau cả nhân loại nhận ra ngay sự tương đồng giữa Nguyễn Du với nhiều danh nhân khác trên thế giới.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai:

Cần phải khẳng định đóng góp lớn nhất của Đại thi hào Nguyễn Du là "với Truyện Kiều, Nguyễn Du là người đầu tiên và duy nhất đã lập tức đưa tiếng Việt lên đỉnh cao nhất của nghệ thuật ngôn từ - nghệ thuật văn chương, và cũng lập tức làm cho nó trở thành "cổ điển".

Ta hãy giả sử Nguyễn Du chỉ làm thơ chữ Hán. Thơ chữ Hán của cụ được các nhà thơ đánh giá cao, nhưng dân ta không mấy ai biết tới, vì họ không đọc được! Sau này, dù có được diễn Nôm hay chuyển quốc ngữ thì căn bản cũng vẫn chỉ được lưu hành trong giới "có học" mà thôi. Và ngay cả khi ấy, thơ chữ Hán của cụ vẫn còn bị soi xét, so sánh… với thơ Đường - Tống và với thơ của các nhà thơ chữ Hán khác ở chính nước ta. Nhưng khi đã "xem Nôm Thúy Kiều" thì từ các bậc Hán học "danh gia vọng tộc", "các đại thụ" trong làng thơ Nôm cho đến dân chúng đều thích thú, thán phục, ngưỡng mộ, say mê, thậm chí là… "nghiện"!

Vì vậy, tôi muốn nhắc lại, Nguyễn Du là một thiên tài! Nguyễn Du với tiếng Việt như là Pushkin với tiếng Nga, Goethe với tiếng Đức, Shakespeare với tiếng Anh.

Đại thi hào Nguyễn Du với tôi cũng là một mẫu mực về nhân cách người nghệ sĩ.

Đạo diễn Đào Bá Sơn (đạo diễn phim "Long Thành Cầm giả ca" sản xuất năm 2010, đoạt nhiều giải thưởng):

Cho đến nay, sau 5 năm kể từ khi bộ phim ra đời và đặc biệt là được chọn chiếu trong dịp kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, tôi cảm thấy rất vui mừng, hạnh phúc. Với tôi thì được làm bộ phim "Long Thành Cầm giả ca" (Bài ca về người gảy đàn Thăng Long) cũng là một may mắn lớn, một cơ hội để tri ân mảnh đất Thăng Long nơi tôi sinh ra, lớn lên và đặc biệt là mảnh đất đã nuôi dưỡng những bậc danh nhân, trí thức lớn của dân tộc, trong đó có Đại thi hào Nguyễn Du. Tôi từng nhận ra những trích đoạn Truyện Kiều mình học thời phổ thông chưa đủ khắc họa chân dung một nhân cách, một ngòi bút vĩ đại. Thú thật, khi tiếp cận với không chỉ các bài thơ chữ Hán, Truyện Kiều của Nguyễn Du mà còn hàng loạt sự kiện liên quan đến cuộc đời ông, tôi giật mình nhận ra Nguyễn Du lớn lao hơn rất nhiều so với những gì ta đã biết. Một con người Việt Nam thật kỳ lạ, sinh ra trong tầng lớp quý tộc, cha và anh đều làm đến chức Tể tướng nhưng suốt cuộc đời ông lại luôn đứng về phía cần lao, phụng sự họ bằng ngòi bút thấm đẫm giá trị nhân văn và tư tưởng vì dân của mình. Trong bộ phim "Long Thành Cầm giả ca", chúng tôi cũng chỉ có thể chuyển tải được một phần tinh thần nhân văn của Nguyễn Du, cũng như câu chuyện về sự vĩnh cửu của văn hóa dân tộc trong mọi biến động của thời cuộc.

Giờ đây, trong dịp kỷ niệm 250 năm sinh của Đại thi hào, tôi lại xúc động nhớ đến khoảnh khắc rơi nước mắt khi đọc trong "Đại Nam liệt truyện", đoạn kể về Nguyễn Du lúc đau ốm đã từ chối thuốc thang bởi ông hiểu được mệnh mình. Phút lâm chung ông chỉ hỏi "Chân ta đã lạnh chưa?", người nhà: "Thưa, lạnh rồi!", vậy là ông ra đi… Cuối cùng, tôi muốn bày tỏ rằng, xin hãy coi bộ phim "Long Thành Cầm giả ca" như nén tâm nhang, một giọt nước mắt khóc thương ông - Đại thi hào của chúng ta. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm thương nhớ Tố Như

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.