(HNM) - Chiều 23-12, lần đầu tiên Hà Nội ra mắt Hội đồng Thẩm định quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn với nhiệm vụ thẩm định các đồ án quy hoạch phân khu trước khi trình UBND TP phê duyệt.
Với vai trò như vậy, kết luận của Hội đồng sẽ là cơ sở quan trọng, nếu không muốn nói có tính quyết định để cơ quan có thẩm quyền chấp nhận quy hoạch phân khu, bảo đảm khớp với đồ án quy hoạch chung, cập nhật các dự án đã triển khai, đồng thời sát với thực tiễn của địa phương... Việc thành phố cho ra mắt Hội đồng là một tín hiệu không chỉ cho thấy quy hoạch luôn là "điểm nóng" mà còn khẳng định rằng, Hà Nội đang nỗ lực, từng bước giải quyết vấn đề bức xúc này.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là điểm tựa vững chắc cho những định hướng tương lai, cho việc xây dựng và tạo nên một Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và quy hoạch phân khu chính là sản phẩm khoa học cụ thể hóa quy hoạch chung ấy. Nói nôm na như người trong nghề, quy hoạch phân khu là hồn cốt của một khu vực với những đặc trưng của nó. Đây cũng là nền tảng để lập quy hoạch chi tiết, định hình đâu là nơi đặt siêu thị, bệnh viện, trường học... Quy hoạch phân khu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc khớp nối quy hoạch chung và một điều không kém phần quan trọng, quy hoạch phân khu phải bảo đảm sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển của địa phương trong tương lai…
Để có một quy hoạch phân khu "đẹp" và đúng nghĩa của nó, các nhà quy hoạch cần phải nghiên cứu, phân tích rõ hiện trạng của mỗi vùng đất với những đặc trưng cơ bản như ao hồ, cây xanh, làng nghề để nhân lên những giá trị của tự nhiên, để bảo tồn những nét văn hóa truyền thống như đình chùa, miếu, mạo… chắt lọc lưu giữ hồn cốt và phát huy những giá trị vốn có trong tương lai. Quy hoạch phân khu không phải là sự sao chép theo kiểu áp quy hoạch chung lên đó để rồi nhân bản: 1+1=2; 2+2=4. Nói như vậy để thấy rằng, muốn hoàn thiện một quy hoạch phân khu bảo đảm chất lượng, cần phải có thời gian để những người làm quy hoạch (không phải là những nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội…) nắm bắt được cái hồn của một vùng đất để nhân lên trong sự phát triển của thời đại. Thế nhưng các nhà quy hoạch của chúng ta liệu có đủ thời gian để "ngấm", để làm, hay chí ít là để thể hiện tư duy khoa học đúng trình tự thời gian: một đồ án thực hiện trong một năm, thẩm định trong 25 ngày - như quy định?
Những ngày ngắn ngủi sắp tới, một lượng đồ án quy hoạch phân khu đồ sộ sẽ phải được thực hiện và thông qua (17 đồ án quy hoạch) khiến không ít người ái ngại. Đành rằng, quy hoạch phải đi trước, nếu chưa có quy hoạch phân khu, không thể triển khai quy hoạch chi tiết để nhà đầu tư có thể triển khai các dự án. Nhưng với năng lực hiện tại, liệu các nhà quy hoạch của Thủ đô có thể bảo đảm chất lượng cho những bản đồ án được thực hiện gấp gáp bởi thời gian câu thúc? Theo một nhà quy hoạch, với thời gian gấp rút như vậy, để bảo đảm an toàn (không sai) chỉ có thể "sinh sản vô tính". Còn việc có phù hợp và đặc biệt là có sát với thực tiễn của từng địa phương, từng vùng đất hay không lại là câu chuyện khác, nếu không muốn nói "không phải tại cháu". Một đồ án quy hoạch vô hồn sẽ đem lại cái gì?
Đầu vào của quy hoạch phân khu là những quy hoạch mạng lưới, quy hoạch của các ngành đang được triển khai (đáng ra phải làm trước), nhưng hiện nay, các nhà quy hoạch đang phải tiến hành song song. Khoan đặt câu hỏi ai làm nhạc trưởng, chỉ việc tích hợp các đồ án quy hoạch này trên một cái "nền" chung đã là cả vấn đề. Sản phẩm quy hoạch không phải là nghệ thuật sắp đặt hay tô vẽ mà là một khoa học mang tính tổng hợp, tạo nền tảng, điểm tựa cho sự phát triển. Trách nhiệm trước sự phát triển của Thủ đô không chỉ đặt ra với các nhà quy hoạch mà trên hết là Hội đồng Thẩm định. Chúng ta đã có nhiều bài học từ quy hoạch Xuân Hòa, Xuân Mai… và không thể trả giá thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.