Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi niềm người dân ''vùng đất khát''

Dương Hà| 27/08/2022 06:38

(HNM) - Những tưởng vào mùa mưa, tình trạng “khát nước” sinh hoạt sẽ được cải thiện, thế nhưng ở một số địa bàn của huyện Sóc Sơn, người dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Để có nước dùng, nhiều hộ gia đình phải mua nước đóng bình hoặc sử dụng nước giếng khoan nhiễm kim loại. Có nơi người dân phải bơm cả nước sản xuất nông nghiệp ngoài đồng về lọc dùng... Người dân mong mỏi sớm có nước sạch để Sóc Sơn không còn là "vùng đất khát".

Bể lọc nước bơm từ kênh tưới của Trường Mầm non Minh Phú (phân hiệu 2) đóng trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Tiết kiệm cả... nước đã qua sử dụng

Những ngày đầu tháng 8, phóng viên Báo Hànộimới đã về tìm hiểu thực trạng thiếu nước sinh hoạt tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Dù đang là mùa mưa, nhưng 2/8 thôn của xã Minh Phú là Thanh Trí và Phú Hạ vẫn thiếu nước sinh hoạt, khiến các hộ dân, tổ chức, đơn vị ở đây gặp nhiều khó khăn. Trường Mầm non Minh Phú (phân hiệu 2) đóng trên địa bàn thôn Thanh Trí là nơi thiếu nước trầm trọng nhất.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Minh Phú Dương Thị Thu Huế cho biết: Phân hiệu 2 của trường đưa vào sử dụng năm 2021. Từ đó đến nay, nhà trường liên tục phải mua nước đóng bình về cho hơn 250 học sinh uống và rửa mặt, chân tay. Riêng nước để sử dụng vệ sinh, lau dọn lớp học... nhà trường phải bơm từ kênh tưới của xã Minh Phú (giáp nhà trường) về bể chứa. “Cũng do việc thiếu nước sinh hoạt diễn ra thường xuyên nên nhà trường phải tiết kiệm cả nước đã qua sử dụng để tưới cây. Tiết kiệm cả việc xả nước trong các nhà vệ sinh nên hệ thống hố ga trong trường bốc mùi hôi khó chịu”, bà Dương Thị Thu Huế thông tin thêm.

Được biết, để chủ động nguồn nước sinh hoạt, Trường Mầm non Minh Phú (phân hiệu 2) được xây dựng hai giếng khơi (rộng 1,5m, sâu 10m). Tuy nhiên, hai giếng này luôn trong tình trạng “trơ đáy”. Chỉ về phía bể ngầm 220m3 được xây dựng bổ sung để khắc phục tình trạng “khát nước” tại trường, Hiệu trưởng Dương Thị Thu Huế cho biết: “Mỗi khi được thông báo nước sản xuất đã về kênh tưới của xã, chúng tôi mừng lắm. Cán bộ, giáo viên, người xách máy bơm, người lắp đường ống bơm nước vào bể... Dù là nước kênh mương nhưng nhà trường vẫn quán triệt tới giáo viên phải tiết kiệm tối đa khi sử dụng”.

Chị Nguyễn Thị Thúy có con đang học tại Trường Mầm non Minh Phú bộc bạch: “Chúng tôi rất chia sẻ với thực trạng thiếu nước sinh hoạt của nhà trường và sẵn sàng đóng góp để nhà trường mua nước, chăm sóc các con được chu đáo nhất”.

Nỗi lo lắng của phụ huynh và cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Minh Phú được giải tỏa phần nào khi vào ngày 16-8 vừa qua, xã Minh Phú đã kêu gọi được một đơn vị tài trợ lắp đường ống, mua máy bơm và xin nước giếng khơi của một hộ gia đình ở thôn Thanh Trí (cách trường hơn 1km) để đưa nước về trường. Song, do đường ống kéo dài, lượng nước cũng không nhiều nên nước bơm về vẫn không đủ dùng.

Cùng cảnh ngộ, Trường Trung học cơ sở Minh Phú (xã Minh Phú) cũng thiếu nước sinh hoạt nhiều năm nay. Hiện nhà trường phải ròng dây, lắp máy bơm nước từ trụ sở UBND xã Minh Phú. Tuy nhiên, lượng nước này phải sử dụng hết sức tiết kiệm mới phần nào đáp đứng được nhu cầu của giáo viên và  học sinh.

Không chỉ xã Minh Phú, trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện có 17/26 xã, thị trấn với hàng chục nghìn hộ dân chưa có nước sạch sử dụng. Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, hiện tại, người dân 17 xã trên địa bàn phải dùng nước giếng khoan, giếng khơi trong sinh hoạt hằng ngày. Có nhiều xã thiếu nước sinh hoạt 3-5 tháng/năm, có xã thiếu 8-9 tháng/năm.

Mong sớm được giải tỏa "cơn khát"

Nói về thực trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú Nguyễn Thế Lưu cho biết: Xã có 8 thôn, trên 3.500 hộ thì có 2 thôn Thanh Trí và Phú Hạ thiếu nước trầm trọng (8-9 tháng/năm). Các thôn còn lại tuy không quá khó khăn về nước sạch, nhưng cũng phải dùng rất tiết kiệm. “Khổ nhất là vào dịp Tết, có tới trên 90% số hộ ở thôn Thanh Trí và Phú Hạ thiếu nước. Ở hai thôn này, việc lo đủ lương thực, thực phẩm Tết còn dễ hơn lo đủ nước dùng trong sinh hoạt”, ông Nguyễn Thế Lưu thông tin.

Trưởng thôn Thanh Trí Dương Văn Hiệp không giấu nổi nỗi buồn khi người dân trên địa bàn thường xuyên sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau). Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ đã chi tới vài chục triệu đồng để khoan giếng sâu 80-100m nhưng vẫn không có nước. Do đó, các hộ dân bảo nhau bơm nước từ ngoài đồng, ao hồ lên vườn cho thẩm thấu xuống giếng khơi để sử dụng.

“Vào mùa khô, nhiều hộ thiếu nước nên phải mang quần áo đi giặt nhờ ở các thôn, xã khác hoặc thuê giặt. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài suốt từ đầu những năm 2000-2001 đến nay, không biết đến bao giờ mới được giải tỏa. Mong rằng huyện Sóc Sơn nói chung và xã Minh Phú nói riêng sớm có nước sạch để sử dụng”, Trưởng thôn Thanh Trí Dương Văn Hiệp nói.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại xã Trung Giã, hiện cũng có 9/10 thôn của xã chưa có nước sạch sinh hoạt. Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giã Đỗ Văn Kiên cho biết: Hầu hết các hộ dân trên địa bàn sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi. Để có nước ăn, uống hằng ngày, nhiều hộ đã phải mua nước đóng bình về sử dụng hoặc lắp đặt hệ thống máy lọc nước nên rất tốn kém. Riêng thôn Sông Công đang sử dụng nguồn nước sạch “nhờ” từ thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), nhưng do ở cuối nguồn, áp lực nước yếu, giá nước lại cao gấp 2 lần so với giá Nhà nước quy định (15.000 đồng/m3) nên người dân gặp nhiều khó khăn.

“Người dân xã Trung Giã mong muốn sớm được sử dụng nước sạch từ các nguồn cấp nước tập trung để bảo đảm sức khỏe, ổn định cuộc sống”, ông Đỗ Văn Kiên đề nghị.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn Trịnh Văn Duy cho biết: Những năm qua, huyện Sóc Sơn từng được thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai các dự án cấp nước sạch trên địa bàn. Cụ thể, từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định giao cho Liên danh Công ty cổ phần Nước Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống triển khai dự án cấp nước sạch cho 18 xã thuộc huyện (thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2020). Song, đến nay đã quá thời gian thực hiện nhưng dự án vẫn chưa được triển khai. Vì lý do này nên hiện tỷ lệ người dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch mới chỉ đạt khoảng 30%, tập trung ở 9/26 xã, thị trấn. Trước thực trạng này, UBND huyện Sóc Sơn đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, tổ chức làm việc với nhà đầu tư, đồng thời báo cáo UBND thành phố, các sở, ngành, song dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, bảo đảm 100% người dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch theo kế hoạch của thành phố, huyện Sóc Sơn kiến nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh phạm vi, quy mô thực hiện dự án cấp nước sạch cho 18 xã thuộc huyện; kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đảm nhận và triển khai dự án trong thời gian sớm nhất để nhân dân trong huyện sớm được giải tỏa "cơn khát".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm người dân ''vùng đất khát''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.