(HNM) - Sau nhiều vụ việc lùm xùm về ngành y tế, dư luận xã hội gần đây không mấy thiện cảm với nghề bác sĩ...
Những áp lực đến từ phòng mổ
Một lần vào phòng mổ với bác sĩ Nguyễn Thanh Thái - Trưởng khoa Tạo hình - hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam - Cu ba), chỉ cần đứng 5 phút tôi đã cảm thấy nôn nao, chóng mặt. Bác sĩ Thái vội xua tôi ra khỏi phòng. Anh cho biết, đó là dấu hiệu tôi bị ngộ độc với thuốc gây mê đang bay khắp phòng mổ. Thế nhưng, bác sĩ Thái và ê kíp của mình lại phải chúi đầu ngay vào việc, hít thẳng vào lồng ngực chất gây mê mà bệnh nhân đang thở ra. Theo bác sĩ Thái, thuốc mê ngấm thẳng vào gan, phá hủy tế bào gan. Vì thế, không ít bác sĩ phẫu thuật bị xơ gan, ung thư gan mà nguyên nhân chính là hít quá nhiều thuốc gây mê trong phòng mổ. Ở Mỹ, các bác sĩ phẫu thuật cứ 6 tháng lại được kiểm tra tế bào gan một lần, tuy nhiên ở Việt Nam chế độ đó chưa được áp dụng, bác sĩ nào lo cho sức khỏe thì tự đi khám!
Bác sĩ Hùng (người bên phải) đang thực hiện một ca mổ. |
Gắn bó với nghề "dao kéo" hơn 20 năm, bác sĩ Thái thường xuyên đối mặt với các ca phẫu thuật, chỉnh hình kéo dài 4 - 6 tiếng. Đến tận bây giờ anh vẫn nhớ như in ca phẫu thuật lâu nhất, kéo dài suốt 16 tiếng đồng hồ mà mình đã thực hiện. Hôm đó, đang về quê dự lễ Thanh minh, bác sĩ Thái nhận được điện thoại từ bệnh viện yêu cầu anh về mổ gấp cho bé gái mới 4 tuổi lỡ nghịch dao đã chém đứt 4 ngón tay của mình. Vội vã phóng xe về Hà Nội lúc 5h sáng, bác sĩ Thái lao ngay vào phòng mổ. Tay bé gái nhỏ, mạch máu li ti, lại đã trắng bệch, rất khó phân biệt đâu là mạch máu để nối. Thế nhưng, bác sĩ Thái và các đồng nghiệp đã cặm cụi, căng mắt dưới kính hiển vi, nối lại từng mạch máu, đường gân, dây thần kinh. Đến 21h tối thì ca mổ hoàn thành. Sau ca mổ, các bác sĩ mệt rũ, nhưng niềm vui giành lại đôi bàn tay cho bé đã khiến họ quên đi mỏi mệt.
Tiến sĩ - Bác sĩ Dương Đức Hùng - Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã có 1/4 thế kỷ theo nghiệp mổ xẻ. Do đặc thù nghề nghiệp, anh thường xuyên phải giành giật sự sống của bệnh nhân trước tử thần khi đối mặt với các ca mổ tim mà phần sống ít hơn phần chết.
Động lực để chiến đấu giành giật sự sống của anh đôi khi chỉ là những ánh mắt cầu khẩn, những đôi bàn tay nắm chặt của bệnh nhân và người nhà của họ. Mới đây, anh đã cứu sống một bệnh nhân mới ở độ tuổi 30 nhưng bị nhiễm trùng tim rất nặng. Trong y văn, nhiễm trùng tim là ca mổ hết sức phức tạp, tỷ lệ tử vong rất lớn. Trên thế giới, các ca mổ thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn ở Việt Nam chưa có bác sĩ nào dám mạo hiểm. "Trước khi quyết định thực hiện ca mổ, tôi đã rất nghi ngại, nhưng mẹ của chàng trai đã nắm chặt lấy tay tôi cầu khẩn: Bác sĩ làm ơn cứu em nó. Chỉ cần cứu nó sống, cho dù không lao động được thì vẫn là trụ cột gia đình, cho hai con của nó có bố. Chính đôi tay bíu chặt của người mẹ đó đã cho tôi quyết tâm" - Bác sĩ Hùng tâm sự.
Ca mổ căng thẳng kéo dài trong 4 tiếng đồng hồ. Nhiều lúc tưởng chừng các thầy thuốc bất lực. Nhưng cuối cùng mọi cố gắng của anh và ê kíp mổ đã được đền đáp xứng đáng. Ngày bệnh nhân ra viện, mừng mừng tủi tủi bên vợ và hai con, bác sĩ Hùng chỉ đứng từ xa mỉm cười. "Tối đó, khi trở về nhà, tôi thực sự thanh thản, hạnh phúc. Hơn lúc nào, tôi cảm nhận sự tồn tại của mình trong cuộc đời thật có ý nghĩa" - Bác sĩ Hùng cười rạng rỡ.
Hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Hùng không ít lần thực hiện những ca mổ khó, bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ, ca phẫu thuật kéo dài 14-15 tiếng, anh và kíp mổ phải thức trắng đêm. Nhưng "kỷ lục" phải thuộc về một đồng nghiệp của bác sĩ Hùng khi phải đối mặt với ca mổ tim kéo dài 25 tiếng đồng hồ, từ 20h tối hôm trước đến 21h tối hôm sau. Sau ca phẫu thuật, bác sĩ gây mê đã ngất xỉu ngay trong phòng mổ.
Làm việc bằng… niềm tin
Hiện nay, Đơn vị Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) đã thực hiện rất nhiều kỹ thuật mà các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Singapore còn phải "ngả mũ" như mổ tim nội soi, tách động mạch chủ, cứu sống các bệnh nhân viêm tim cấp, nhiễm trùng tim; phẫu thuật tim khi bệnh nhân vẫn tỉnh, tim vẫn đập (không cần chạy tim phổi nhân tạo)… Mặc dù vậy, các ca mổ tim của Việt Nam cũng được coi là "rẻ nhất thế giới", chi phí chỉ bằng 1/10 đến 1/20 các ca mổ tim ở Mỹ, Pháp, Singapore… Đơn cử như ca phẫu thuật khi tim đang đập chi phí chỉ khoảng 13 triệu đồng trong khi tại Mỹ chi phí lên tới 10.000 USD. Số ngày nằm viện cũng rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 2-3 ngày. Không những thế, bác sĩ Hùng và đồng nghiệp còn ứng dụng thành công mô hình "phẫu thuật không kháng sinh", giúp người bệnh giảm nguy cơ kháng sinh do dùng thuốc kéo dài cũng như giảm chi phí điều trị từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Trước đây, mỗi bệnh nhân phẫu thuật tim mạch, lồng ngực phải sử dụng kháng sinh theo hình thức bao vây, chi phí 1-4 triệu đồng/ngày, nhưng nay, mỗi bệnh nhân chỉ phải dùng 3 gam kháng sinh dự phòng, không phải sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật mà kết quả vẫn đạt tốt. Để làm được điều này, các nhân viên y tế phải tuân thủ chế độ nghiêm ngặt, bảo đảm phòng mổ và điều trị hoàn toàn vô trùng, tránh nhiễm khuẩn.
Vất vả, thành tích vượt trội, đem lại sự sống cho nhiều bệnh nhân, thế nhưng thù lao dành cho các bác sĩ mổ tại Việt Nam chắc cũng vào loại "rẻ nhất thế giới". Bác sĩ Hùng cho biết, các ca mổ tim là loại phẫu thuật "đặc biệt" song sau mỗi ca mổ vật lộn với thần chết kéo dài 8 - 10 tiếng, anh chỉ nhận phụ cấp 105.000 đồng/ca, các bác sĩ phụ mổ, gây mê nhận vài chục nghìn đồng. Nếu cân đong đo đếm về thù lao thì chắc chắn không bác sĩ nào có thể đứng bên bàn mổ, đối diện với sự sống, cái chết được. Tương tự, sau mỗi ca mổ, bác sĩ Thái chỉ được phụ cấp vài chục nghìn đồng.
Nói về nỗi niềm của các bác sĩ phẫu thuật, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương chia sẻ: "Các nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ mổ đã phải đối mặt với rất nhiều căng thẳng, áp lực. Có bác sĩ đột quỵ ngay trong phòng mổ. Có người phải đi điều trị tâm lý do không vượt qua được những cú sốc khi mất bệnh nhân. Có bác sĩ tự tử do sức ép từ gia đình bệnh nhân khi gặp các tai biến y khoa không mong muốn. Ngoài ra, họ còn bị phơi nhiễm các bệnh nguy hiểm khi điều trị cho các bệnh nhân lao kháng thuốc hoặc bệnh nhân HIV/AIDS…".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.