Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nói mãi… chuyện biết rồi!

Thế Dũng| 03/12/2011 07:31

(HNM) - Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh hiện có 44 bệnh viện công lập và 34 bệnh viện (BV) tư nhân với tổng số gần 31.100 giường bệnh. Số lượng các cơ sở y tế như trên chỉ phục vụ tốt nếu dân số TP là khoảng 4,5 triệu người. Nhưng hiện nay, hạ tầng ấy đang phải "cáng" tới 10 triệu dân và chưa tính đến tình trạng khám, chữa bệnh vượt tuyến.

"Nỗi đau" của ngành y

Thực trạng chung của rất nhiều BV trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là số bệnh nhân không ngừng gia tăng nhưng số giường bệnh nhiều năm qua không thay đổi. "Nóng" nhất hiện nay là các BV Nhi đồng 1-2, Ung bướu, Chấn thương Chỉnh hình và Từ Dũ… Một số bệnh viện như Nhiệt đới, Hùng Vương, Nhân dân 115, Tim… tuy không căng thẳng nhưng tình trạng ghép hai bệnh nhân/giường không hiếm.

Bệnh viện Nhi đồng 1 quá tải, bệnh nhân và người nhà phải nằm la liệt ngoài hành lang. Ảnh: Đan Nhiễm

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết, cơ sở hạ tầng BV chỉ đáp ứng khoảng 700 giường bệnh nhưng đang phải cáng đáng 1.500-1.600 bệnh nhân điều trị nội trú/ngày, đó là chưa kể bình quân có tới 5.000 lượt khám/ngày. Lúc cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, lượng bệnh nhân đến khám lên tới hơn 7.000 lượt/ngày. Các khoa hô hấp, nhiễm, sơ sinh, tiêu hóa luôn trong tình trạng quá tải và năm sau nghiêm trọng hơn năm trước.

Cùng chung cảnh ngộ, BV Ung bướu có công suất khám chữa bệnh có lẽ thuộc hàng cao nhất Việt Nam, đạt 247% kế hoạch năm! "Không phải các bác sĩ ở đây muốn vậy nhưng bệnh nhân đến thì không thể bỏ mặc. Số giường định biên là 1.300 nhưng thực kê là 700. Mỗi ngày BV điều trị nội trú tới 1.700-1.800 trường hợp và ngoại trú cũng tương đương con số đó. Các khoa nội 1, nội 4 luôn trong tình trạng 2-3 bệnh nhân/giường, thậm chí bệnh nhân và người nhà phải trải chiếu nằm dưới gầm giường, hành lang" - Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV cho biết.

Trong chuyến khảo sát thực tế về tình trạng quá tải BV tại TP Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đau xót nói rằng: Không có đất nước nào trong khu vực có tình trạng quá tải khủng khiếp như ở Việt Nam, khi có tới 3-4 bệnh nhân phải nằm chung một giường.

Đây là "nỗi đau" của ngành y khi kinh tế đất nước đã được cải thiện nhưng tình trạng thiếu giường bệnh đến nay vẫn phổ biến.

Kế hoạch… "trên giấy"

Nguyên nhân của tình trạng quá tải được ngành y tế TP đưa ra không có gì mới so với hàng chục năm trước. Đó là khám chữa bệnh vượt tuyến không giảm do BV các tỉnh lân cận và tuyến dưới không đủ trình độ; dân số tăng nhanh... Tuy nhiên, "lối thoát" duy nhất là đầu tư mở rộng, xây mới BV và hệ thống BV vệ tinh đến nay vẫn bế tắc.

Bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế nêu thực trạng đáng buồn là kế hoạch xây dựng các cụm BV ở các cửa ngõ TP nhằm giảm tải cho các BV nội thành hiện vẫn "đang nằm trên giấy" vì không giải phóng mặt bằng được; quy trình thủ tục xét duyệt xây dựng mới BV kéo dài trung bình 3-5 năm/dự án; ngân sách TP đã sẵn sàng nhưng không thể giải ngân.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận cho biết, kinh phí và mọi công tác chuẩn bị, thủ tục đều xong nhưng các dự án xây dựng BV chưa thể khởi công được vì "vướng" Nghị quyết 11 về giảm đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát. Nếu được Chính phủ xem xét, coi đây là các dự án dân sinh thiết yếu thì sớm nhất cũng phải đến năm 2015 mới có nhiều BV mới ra đời, giảm tải cho hệ thống BV hiện nay. Cụ thể, đến năm 2014 sẽ hoàn thành xong các BV Nhi đồng, Ung bướu cơ sở 2, Chấn thương Chỉnh hình và mở rộng BV Đa khoa Thủ Đức. Đến năm 2015, có thêm 3 BV mới nữa được hoàn thành. Đồng thời, TP cũng đầu tư 170 tỷ đồng xây dựng BV cửa ngõ tại Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Y tế tăng cường đầu tư, đào tạo thêm cho y tế cơ sở các tỉnh để hạn chế tình trạng vượt tuyến, chuyển viện như hiện nay.

Bao giờ nỗi lo quá tải mới thôi đè nặng lên vai ngành y tế TP Hồ Chí Minh nói riêng và ngành y tế cả nước nói chung? Bài toán ấy chắc chắn không dễ có ngay lời giải, và ít nhất trong 4-5 năm nữa, tình cảnh người dân phải chen chúc ở các BV công vẫn sẽ là câu chuyện… "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nói mãi… chuyện biết rồi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.