Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nội lực tốt giúp kinh tế vĩ mô sớm ổn định sau dịch

Hương Ly| 04/11/2020 06:09

(HNMO) - Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2020, dẫu không đạt mục tiêu cao so với kế hoạch, vẫn là điểm sáng của kinh tế thế giới. Bên hành lang Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội) khẳng định, chính nội lực tốt đã giúp kinh tế vĩ mô của nước ta duy trì đà tăng trưởng dương.

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội).

- Mặc dù các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 dự kiến không đạt mục tiêu đặt ra từ đầu năm, song Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng kinh tế toàn cầu do duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong cả năm 2020. Xin đại biểu phân tích rõ hơn về kết quả này?

- Đúng như vậy, thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Đặc biệt trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng GDP 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2-3%.

Kết quả này giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới trong năm 2020 nhờ nội lực tốt, tận dụng các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP trong giai đoạn này cũng đã tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015.

Nếu nhìn vào biểu đồ tăng trưởng GDP trong năm nay, có thể thấy, nền kinh tế đi theo đồ thị hình chữ V. Từ đồ thị này, các tháng cuối năm 2020 cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng dương. Đây là tiền đề rất tốt để chúng ta thu hút thêm các nguồn đầu tư từ bên ngoài.

- Vì sao nền kinh tế nước ta lại ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong khi đó, nhiều cường quốc kinh tế lại chịu ảnh hưởng rất nặng nề và suy giảm mạnh đà tăng trưởng, thưa đại biểu?

- Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn nhận đánh giá cả nhiệm kỳ qua. Có thể thấy, đây là nhiệm kỳ để lại nhiều dấu ấn ấn tượng. Không khí hoạt động của Quốc hội sôi động. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện chính kiến rõ ràng, trực diện. Cơ quan điều hành Quốc hội có sự tranh luận, quyết đoán, nhưng vẫn tạo hướng mở cho các cuộc thảo luận, nhằm hướng tới sự thảo luận thẳng thắn của đại biểu. Những bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn khi cung cấp tài liệu và giải trình đều trực diện, không vòng vo, né tránh.

Kết quả thu được là tinh thần thẳn thắn, đổi mới, dân chủ. Đặc biệt, sự hỗ trợ, hợp tác giữa Quốc hội và Chính phủ đã giúp tháo gỡ kịp thời các vấn đề vướng mắc, đưa kinh tế - xã hội của đất nước phát triển bền vững.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều cơ hội thuận lợi để thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Người Việt Nam thông minh, chịu khó thích nghi với công nghệ mới nên không có sự e ngại khi thực hiện chuyển đổi số và sử dụng công nghệ mới. Thực tế cũng cho thấy, không chỉ thanh niên mà cả người cao tuổi đều bắt kịp rất nhanh khi sử dụng internet và sẵn sàng sử dụng công nghệ mới.  

Với hệ thống chính trị, từ Quốc hội đến Chính phủ đều nhanh chóng ứng dụng công nghệ trong hoạt động và điều hành. Cùng với nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử, trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều dịch vụ công ở nước ta đều chuyển sang mức độ 4. Hoạt động của Quốc hội cũng chuyển dần từ họp trực tiếp sang trực tuyến mà chất lượng không thay đổi.

Trong hoạt động kinh doanh cũng không còn chuyện doanh nghiệp xếp hàng đến nộp thuế. Bản thân ngành Giáo dục trong giai đoạn giãn cách xã hội vẫn duy trì hoạt động bằng hình thức giảng dạy trực tuyến...

Tôi cho rằng, những tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 giúp chúng ta nhận thấy, nhờ có nội lực vững nên sau đại dịch, kinh tế vĩ mô của nước ta đã duy trì đà tăng trưởng dương và đến nay cơ bản mọi hoạt động đã trở về ổn định.

- Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá cao về chỉ số sáng tạo. Đại biểu bình luận thế nào về điều này?

- Việt Nam được đánh giá cao chủ yếu dựa vào sự khởi nghiệp sáng tạo của thế hệ trẻ. Chúng ta đang hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng cởi mở, từ đó tạo ra một “sân chơi” lành mạnh, có thể khuyến khích các doanh nghiệp trẻ xây dựng nền tảng kinh doanh mới.

Thêm vào đó, nền tảng kinh doanh của chúng ta cũng chưa đi vào lối mòn. Vì vậy, đa số doanh nghiệp sẽ nỗ lực tìm hướng đi mới khi được Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển và ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cái quan trọng nhất để có thể đổi mới sáng tạo là liệu chúng ta có thể tạo ra bước chuyển biến lớn về thể chế hay không. Đơn cử, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công - một câu chuyện “biết rồi khổ lắm, nói mãi”. Song thực tế cho thấy, chính thủ tục hành chính rườm rà đang làm chậm quá trình giải ngân vốn. Điều này cho thấy, chưa có nhiều yếu tố đổi mới sáng tạo trong quản lý, điều hành. Đây chính là điểm yếu cần được khắc phục.  

- Trân trọng cảm ơn đại biểu!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nội lực tốt giúp kinh tế vĩ mô sớm ổn định sau dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.